Thu gom vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng góp phần bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 21/07/2023 02:55
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây nhiều loại dịch bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng ở nhiều địa phương. Do vậy, người nông dân cần phải sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Tuy nhiên, sau khi sử dụng xong vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được vứt tràn lan không được xử lý đúng cách, nên chúng trở thành rác thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Người dân thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa để xử lý.
Người dân thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa để xử lý.

Không thể không phủ nhận những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật mang lại cho nhà nông mùa màng bội thu, tiêu diệt sâu bệnh gây hại cho cây trồng nhưng vỏ bao bì ngày càng nhiều và không được xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cũng như sức khỏe của con người. Hầu hết người nông dân khi sử dụng thuốc ít hiểu biết về rác thải của chúng gây ra rất nhiều nguy hại mà chỉ xem chúng như rác thải thông thường, nên vứt bừa bãi không theo quy định. Người dân không biết tính nghiêm trọng của vỏ chai, vỏ bao bì ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều đã có xây dựng các bể chứa rác thải nguy hại này, nhưng người dân vẫn chưa thực hiện tốt việc bỏ vào để ngành chức năng đem đi xử lý. Họ thường để cả rác thải sinh hoạt vào trong bể chứa này gây ra tình trạng bể chứa mau đầy người đến sau không có chỗ để, nên để bên ngoài bể không theo quy định.

Ngoài ra, rác thải thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý đúng cách còn sót lại trong vỏ chai, bao bì sẽ bốc mùi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào trong lòng đất. Đây là nguyên nhân chính làm cho đất và nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm. Nguồn nước chứa độc tố được người dân sử dụng trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Rác thải dưới dạng chai, lọ thủy tinh vứt nơi đồng ruộng người nông dân dễ giẫm đạp gây nguy hiểm cho người nông dân.

Bên cạnh đó, cần phải đưa ra những biện pháp giảm thiểu tác hại từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Các chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi đồng ruộng cũng như giúp người dân nhận biết những tác hại mà chúng mang lại. Xây dựng các bể thu gom chất thải nguy hại đúng với quy định ở vị trí thuận lợi cho bà con dễ thấy và bỏ đúng nơi. Người dân cần thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thay vào đó sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn, thân thiện với môi trường và kiểm soát được mức độ an toàn của vỏ bao bì sau khi sử dụng thải ra môi trường. Nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn thu gom bao bì, vỏ chai và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Tóm lại, phòng chống những tác hại của rác thải nguy hại gây ra là việc làm cần thiết trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, người nông dân có cơ hội tiếp xúc với những hình thức canh tác mới thân thiện với môi trường đem lại những nông sản, thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng. Điều đó, không những góp phần làm cho chất lượng môi trường được cải thiện mà còn làm cho đời sống của con người càng trở nên tốt hơn.

Tác giả bài viết: Châu Anh Vũ - Trưởng Phòng TN và MT huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây