Hiệu quả từ mô hình nuôi dê tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây

Thứ bảy - 12/08/2023 21:15
Thời gian qua, với đặc tính khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã tự tìm hướng đi riêng cho mình bằng cách chuyển đổi vật nuôi từ heo, bò, gà sang nuôi dê nhốt chuồng. Mô hình nuôi dê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Mô hình nuôi dê của bà Lê Thị Nga, ấp Lợi An, xã Bình Tân.
Mô hình nuôi dê của bà Lê Thị Nga, ấp Lợi An, xã Bình Tân.

Điển hình như hộ Lê Thị Nga, 59 tuổi, ấp Lợi An, xã Bình Tân huyện Gò Công Tây, với mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng hơn 8 năm nay cho hiệu quả kinh tế ổn định cao, bà Nga vinh dự được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Được biết, trước kia bà Nga cũng từng trải qua nuôi heo, gà, bò nhưng qua thời gian bà đã tìm tòi, học hỏi các mô hình phù hợp và đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Năm 2005, bà Nga mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại và nuôi dê sinh sản. Được địa phương hỗ trợ đưa đi học tập mô hình, tập huấn các lớp chăm sóc dê và cho vay vốn, đồng thời bà Nga cũng chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nuôi dê qua sách, mạng internet. Nhờ đó, chỉ sau 8 năm, từ 10 con dê ban đầu, đến nay tổng đàn dê của gia đình bà đã lên đến gần 120 con chủ yếu là giống dê Bor và Dê bắc thảo…

Theo bà Nga, so với các loại vật nuôi khác như heo hay bò, nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3-4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25-30kg, được các thương lái trong và ngoài địa bàn tiêu thụ với giá bán dao động từ 100.000 đồng/kg trở lên. Không chỉ bán dê thịt, bà Nga còn bán con giống, sau khi trừ chi phí, gia đình bà có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Chia sẻ với chúng tôi bà Nga cho biết thêm về nghề chăn nuôi dê nhốt chuồng: Nuôi dê khá tiện lợi, ít công chăm sóc, đặc biệt là hiện nay khi giá cám thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê nhốt chuồng này lại ổn định hơn so với những loại khác. Bởi nguồn thức ăn chủ yếu cho đàn dê là cỏ, lá, bắp... cám và thức ăn chỉ cho ăn dặm thêm.

Theo bà Nga và các hộ nuôi khác cho biết, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà, vì dê là loài ăn tạp nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn mà chỉ tốn công cắt cỏ và các loại rau, lá. Mô hình nuôi dê khá thích hợp tại địa phương, bởi không tốn nhiều diện tích, đặc biệt không cần nhiều công làm, phù hợp với những người tuổi trung niên. Với giá bán luôn ổn định ở mức 100 ngàn đồng/kg, bình quân 1 con dê xuất chuồng nông dân thu lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng mà lại ít tốn chi phí tiền thức ăn.

Để giúp các hộ nuôi dê ổn định và gắn bó với nghề, định kỳ hàng năm, Hội Nông dân xã Bình Tân đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi dê, giúp bà con nông dân cập nhật kiến thức về kỹ thuật chăm sóc dê cũng như tình hình thị trường, giá cả…

Theo ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, toàn huyện hiện có hơn 21 ngàn con dê tập trung nhiều tại các xã: Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Đồng Thạnh, Bình Tân…Mô hình nuôi dê nhốt chuồng khá nhàn rỗi nên người nuôi vẫn có thời gian làm việc khác. Dê sinh trưởng nhanh, thời gian thu hồi vốn ngắn. Ngoài ra, việc nuôi dê còn giúp nông dân tận dụng được nguồn phân để bán, tăng thêm thu nhập.

Để nuôi dê đạt hiệu quả cao và bền vững, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người chăn nuôi cần nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh, chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh ánh nắng, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao. Người nuôi dê cần bổ sung thêm đá liếm cho dê và thức ăn cho dê mẹ sinh sản để đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ dê phát triển tốt.

Nhìn chung, giá cả vật nuôi có lúc sụt giảm nhưng với sự kiên trì bền bỉ, tận dụng dê con để nuôi thành dê thịt, người dân xã Bình Tân đã nhạy bén, sáng tạo biết vượt qua khó khăn đi lên từ nghề nuôi dê, đảm bảo nguồn thu nhập bền vững, tận dụng trồng cỏ để đảm bảo cho đàn dê có được nguồn thức ăn tươi giàu dinh dưỡng.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây