Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang: Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2023, vụ Đông Xuân 2023- 2024 các huyện, thị phía Đông tại huyện Gò Công Tây

Thứ năm - 03/08/2023 19:55
Sáng ngày 03/8/2023, tại hội trường UBND huyện Gò Công Tây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2023, vụ Đông Xuân 2023- 2024 các huyện, thị phía Đông.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Văn Nê - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo và cán bộ ngành Nông nghiệp của các huyện, thị phía Đông như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Tân Phú Đông.

Hội nghị đã thông qua báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2023, được sự quan tâm của cấp trên, các ngành, các địa phương đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai và nông dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất vụ Hè Thu vừa qua. Diện tích cây lúa toàn vùng phía Đông vụ Hè Thu sản xuất được hơn 21.037 ha/ 19.880 ha, đạt 105,8% kế hoạch. Dự kiến thu hoạch tập trung vào tháng 9 năm 2023, ước tính năng suất đạt 55 tạ/ ha.  Trong vụ Hè thu năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông ước thực hiện trên 905 ha, trong đó chuyển sang màu là 510 ha và chuyển sang cây lâu năm là 198 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết trong tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp hiện nay, mùa khô năm 2023 đến trễ, mùa mưa đến trễ, nên lịch thời vụ sản xuất lúa tại các huyện phía Đông được điều chỉnh nếu không tuân thủ lịch thời vụ sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn vào cuối vụ Đông Xuân 2023-2024 nếu thời tiết cực đoan như dự báo.

 

huyen go cong tay hoi nghi so ket vu he thu 2023 (1)


Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cũng đã thông qua báo cáo kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2023 và vụ Đông Xuân 2023-2024. Trong đó nhấn mạnh các huyện, thị khu vực phía Đông cần kiên quyết tuyên truyền vận động cắt vụ lúa Thu Đông 2023 trên toàn vùng Dự án ngọt hóa Gò Công, chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp cần tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày để hạn chế tình trạng bỏ đất trống trong thời gian cắt vụ lúa Thu Đông 2023, vừa đảm bảo cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 an toàn hiệu quả vừa giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất góp phần tối ưu hóa lợi nhuận cho người dân. Vụ Đông Xuân 2023- 2024, căn cứ dự báo xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp tăng cường dự báo phòng chống dịch bệnh như vàng lùn, lùn xoắn lá và rầy nâu…Theo kế hoạch vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 toàn vùng phía Đông sẽ xuống giống với tổng diện tích 20.160 ha, ước tính sản lượng dự kiến 131.736 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang dự kiến khung lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 cho các huyện phía Đông (Vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công) diễn ra từ ngày 5/10- 15/10/2023 (dương lịch). Cơ cấu giống lúa ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng trong vụ Đông Xuân 2023-2024 là 100% giống lúa thơm và lúa chất lượng cao có khả năng chống chịu hạn mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…và ưu tiên các giống lúa được các doanh nghiệp và thương lái liên kết sản xuất- tiêu thụ. Vụ Đông Xuân 2023-2024, các huyện phía Đông cần tăng cường sản xuất các loại rau màu để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2024 với diện tích 12.600 ha, ước sản lượng khoảng 237.540 tấn.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã lắng nghe các ý kiến đóng góp, các thuận lợi, khó khăn về tình hình đặc thù sản xuất của các địa phương phía Đông, để từ đó làm cơ sở có những đánh giá nhận định về từng địa phương cụ thể trong chỉ đạo điều hành sản xuất. Trong đó việc cắt vụ Thu Đông 2023 sẽ có sự nghiên cứu theo tình hình từng địa phương trên tinh thần đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tình trạng thiếu nước vụ Đông Xuân cho trà lúa. Ngoài ra, các huyện, thị phía Đông cần tiếp tục thực hiện công tác tích trữ nước, khai thông dòng chảy, trục vớt lục bình, tăng cường nạo vét kinh thủy lợi nội đồng, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể rõ ràng, bám sát tình hình thực tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất như trồng màu, điều chỉnh lại diện tích sản xuất lúa ở những vùng không đảm bảo nguồn nước…

Tác giả bài viết: Kim Lan - Nguyễn Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây