Huyện Gò Công Tây: Hội nghị đánh giá kết quả mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen trong chăn nuôi gia cầm, thủy sản và phương hướng kế hoạch trong thời gian tới

Thứ ba - 18/07/2023 11:08
Chiều ngày 17/7/2023, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây kết hợp Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen trong chăn nuôi gia cầm, thủy sản và phương hướng kế hoạch trong thời gian tới.
Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ - Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị.
Giáo sư - Tiến sĩ Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ - Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Giáo sư- Tiến sĩ Dương Nguyên Khang- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ- Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu- Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Tiền Giang; đại diện lãnh đạo Trung Tâm Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang. Về phía huyện Gò Công Tây có ông Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; đại diện cán bộ lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, lãnh đạo UBND và cán bộ Nông nghiệp 12 xã, thị trấn trong toàn huyện. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số Doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm các huyện phía Đông.
 

huyen go cong tay danh gia mo hinh nuoi ruoi giam den (2)

Đại biểu dự hội nghị.


Nhằm quản lý và xử lý tốt việc phân loại rác tại hộ dân không để lãng phí nguồn thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp góp phần thực hiện tốt Kế hoạch 102/KH-UBND-MTTQ về phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn của Ủy ban nhân dân huyện đề ra, cũng như góp phần làm giảm tác động xấu của rác thải đến môi trường trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Được sự hỗ trợ tạo điều kiện của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ chi phí ấu trùng, phụ phẩm thức ăn cho 100 người dân của 02 xã Bình Nhì và Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây tham gia thực hiện Mô hình “Ứng dụng ấu trùng Ruồi lính đen trong chăn nuôi gia cầm và thủy sản”.

Đến nay, mô hình nuôi ấu trùng Ruồi lính đen đã được thực hiện được 02 chu kỳ nuôi diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 20/6/2023 đã mang lại hiệu quả khả quan được người dân đồng tình ủng hộ đánh giá cao về tính hiệu quả và ứng dụng vào chăn nuôi gia cầm, thủy sản gia tăng chất lượng sản phẩm vật nuôi. Người nuôi ấu trùng Ruồi lính đen chủ yếu tận dụng thức ăn chủ yếu cho ấu trùng từ nguồn thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như cơm thừa, dưa hấu hư, bí đỏ hư, vỏ rau củ quả…

Cả 02 chu kỳ nuôi đều được cán bộ ngành Nông nghiệp huyện kiểm tra và theo dõi kịp thời hỗ trợ khi người nuôi gặp khó khăn lúng túng trong việc tìm nguồn thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen trong chu kỳ thứ nhất. Sang đến chu kỳ nuôi lần 2, đa số các hộ nuôi đều có kinh nghiệm, có ghi chép nhật ký theo dõi số liệu thức ăn, số ấu trùng thu hoạch. Nhìn chung, toàn bộ ấu trùng ruồi lính đen sau khi thu hoạch đều có chất lượng cao, phát triển đồng đều, được các hộ nuôi sử dụng để nuôi gà, vịt, cá, làm thức ăn cho chim yến. Mô hình này được người dân đồng tình ủng hộ cao, các hộ dân cho biết sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để bổ sung trong khẩu phần thức ăn cho vật nuôi hiệu quả trước tình hình giá thức ăn đang leo thang như hiện nay.

Theo đánh giá chung của ngành chức năng qua thời gian thực hiện thí điểm mô hình Ứng dụng ấu trùng Ruồi lính đen trong chăn nuôi gia cầm và thủy sản trên địa bàn 02 xã Vĩnh Hựu, Bình Nhì đã cho hiệu quả và sự đồng thuận cao của người chăn nuôi. Thời gian tới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây tiếp tục tham mưu nhân rộng mô hình nuôi ấu trùng Ruồi lính đen để hỗ trợ cho người chăn nuôi cá thương phẩm, nuôi gà, vịt trên địa bàn huyện nói chung, mở ra hướng đi mới thân thiện với môi trường, tiện lợi trong việc tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi, giảm giá thành chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây