Banner 30-4-2024

Huyện Gò Công Tây chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp giảm nghèo bền vững

Thứ ba - 14/11/2023 09:31

Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, huyện Gò Công Tây đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Xã Đồng Thạnh chuyển đổi sang nhiều diện tích trồng bắp cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Đồng Thạnh chuyển đổi sang nhiều diện tích trồng bắp cho hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, huyện Gò Công Tây đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng khắc nghiệt hơn, tác động mạnh mẽ lên đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân huyện nhà, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ với những vùng, khu vực không thuận lợi cho cây lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, trong đó chú trọng tăng nhanh các ngành hàng, các loại cây trồng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, được sự đầu tư phân bổ nguồn vốn huyện đã triển khai xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm tự động tại các xã cuối nguồn để chủ động vận hành nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các Trạm bơm tại các xã như Yên Luông, Bình Tân đều đã vận hành tốt góp phần vận hành nước ra vào thuận tiện hơn tiết kiệm chi phí hơn so với trước kia.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện nhà tiếp tục lên kế hoạch phương án rà soát tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.

Bà Lê Thị Thanh Minh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, góp phần mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nông dân, huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo tìm ra các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường hiện nay, đến nay, theo thống kê chung toàn huyện đến nay đã có hơn 2.200 ha cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong đó hơn 1.200 ha chuyển sang các loại cây ăn trái như thanh long, dừa xiêm xanh, dừa xiêm chuỗi, bưởi,... trồng rau màu chuyên canh các loại mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân huyện Gò Công Tây từng bước ổn định và ngày càng nâng lên.

 

 


Song song đó, nhằm tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn huyện nhà được tiếp cận, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, tác động tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đẩy mạnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện các mô hình trình diễn như: mô hình “Luân canh cây bắp trên nền đất lúa gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng” ở xã Đồng Thạnh, Vĩnh Hựu, Bình Nhì, mô hình: chuyển đổi mùa vụ trồng cây bí đỏ trên nền đất lúa sử dụng phân hữu cơ thích nghi biến đổi khí hậu theo hướng sản xuất hữu cơ” tại xã Bình Nhì; mô hình: “trồng cỏ giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt làm thức ăn gia súc lớn” tại xã Long Vĩnh, mô hình trồng xen canh cây đậu nành rau trong vườn dừa và trên nền đất lúa tại các xã Vĩnh Hựu, Yên Luông, Đồng Thạnh, Mô hình nuôi lươn không bùn tại Thị trấn Vĩnh Bình, mô hình ủ rơm trồng nấm rơm từ phụ phẩm tái chế tại xã Thạnh Trị, mô hình trồng cây Shachi tại xã Long Bình... Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao được người dân đón nhận và nhân rộng.

Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững góp phần hoàn thành các tiêu chí trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, từ đó thực hiện tốt các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Huyện Gò Công Tây đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã và đang chú trọng tập trung thực hiện trong suốt thời gian qua.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn