Tư tưởng xem trọng sức dân xuất hiện từ rất lâu đời theo chiều dài lịch sử dân tộc ta. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi nói về vai trò của Nhân dân đối với sự thịnh suy của vận nước, ông cho rằng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh của Nhân dân là rất to lớn, có dân việc gì cũng làm được. Nếu sức mạnh trong Nhân dân được khéo léo tổ chức, tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì sức mạnh đó trở thành sức mạnh khổng lồ: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có đến 19 lần nhắc đến hai từ “Nhân dân” trong một văn kiện chỉ dài 9 trang giấy A4, trong đó Kết luận tiếp tục nêu rõ yêu cầu phải “thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Như vậy, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, trong đó có công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là phát huy sức mạnh trong lòng dân để đấu tranh, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, xây dựng Ðảng ngày càng vững mạnh. Ðó chính là cội nguồn, là sức mạnh mang lại thành công trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn mới.
Có thể khẳng định, thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1975) là một trong những giai đoạn mà Đảng ta huy động được sức mạnh tổng lực của Nhân dân trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhân dân ta đã không tiếc máu xương để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. Không những vậy, Nhân dân còn cho con em mình tham gia cách mạng, đi theo Đảng vì Nhân dân luôn tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như sự tiên phong, gương mẫu của mỗi người cán bộ, đảng viên.
Sau khi nước nhà độc lập, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như trong cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, nhưng Nhân dân ta luôn đồng cam cộng khổ với Đảng, một lòng ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng, đi theo Đảng, đồng thời Nhân dân còn góp công, hiến kế cho Đảng, cho đất nước trong việc đổi mới đất nước thành công. Vì vậy, có thể khẳng định vai trò của Nhân dân đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng là rất lớn lao và Đảng ta luôn ghi nhớ và vô cùng trân trọng.
Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện có hiệu quả vấn đề dựa vào Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, cần quan tâm thực hiện đồng bộ hai hệ thống giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp nội tại đối với hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên. Sau khi đề ra chủ trương, nghị quyết đúng, mỗi tổ chức đảng phải quyết tâm thực hiện đến nơi đến chốn các chủ trương nghị quyết đã đề ra; tránh hiện tượng ra nghị quyết, chỉ thị thì rất hay, đề ra mục tiêu, dự báo kết quả rất lớn nhưng đi vào triển khai tổ chức thực hiện thì làm không đến nơi đến chốn. Chính những hiện tượng trên dần dần sẽ làm cho đường lối, chủ trương ban hành là đúng, nhưng tổ chức thực hiện lại không tốt, ảnh hưởng và làm xói mòn niềm tin của Nhân dân.
Mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cần thiết phải tiến hành thường xuyên công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, cấp trên và của cấp mình nhất là các nghị quyết liên quan đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân; những vấn đề Nhân dân bức xúc cấp ủy, chính quyền đã hứa giải quyết thông qua đối thoại của bí thư cấp ủy, chính quyền cần phải được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức “tu trí lực, sửa mình, vì dân, vì nước”, phải làm sao để Nhân dân gửi gắm trọn niềm tin yêu của mình như thế hệ cha ông đã từng làm được. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức gần dân, yêu dân, kính trọng dân trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những công dân gương mẫu; phải để Nhân dân thấy cán bộ, đảng viên là những nhân tố tiêu biểu trong cộng đồng của họ trên phương diện của một công dân - thành viên không tách rời của một cộng đồng đang sinh sống.
Thứ hai, giải pháp của hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò của Nhân dân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy, chính quyền cần có biện pháp cụ thể để Nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng một cách thiết thực, tránh tuyên truyền lý luận trừu tượng, một chiều. Hãy để Nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở cơ sở bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như ủng hộ chủ trương của cấp ủy, chính quyền, chi bộ, khu dân cư về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của địa phương; đồng thời phê phán, góp ý đối với những ý kiến của người dân (kể cả cán bộ, đảng viên) không vì lợi ích chung nơi cộng đồng mình sinh sống.
Hệ thống chính trị cơ sở cần tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về việc tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến Nhân dân ở cơ sở. Thay đổi cách nhìn nhận chủ thể - đối tượng lãnh đạo lâu nay là “hệ thống chính trị - nhân dân” thành “nhân dân - hệ thống chính trị” theo đúng tinh thần “dân là gốc”. Phải xem đây là cách lãnh đạo, quản lý, quản trị mới phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy vai trò của lực lượng cựu chiến binh, người cao tuổi, đảng viên lão thành, đoàn thanh niên, hội phụ nữ; thành lập các tổ xung kích của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm định hướng, dẫn dắt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở địa phương, cơ sở. Tăng cường đối thoại với Nhân dân ngay từ giai đoạn khảo sát, hoạch định chủ trương đến khi đánh giá mức độ hài lòng của Nhân dân khi chính sách kết thúc dưới các hình thức phù hợp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến đóng góp, phản ánh của Nhân dân trong thực hiện chính sách.
Phải xem Nhân dân là chủ thể thật sự mà chủ trương, chính sách hướng đến theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất”.
Từ bao đời nay, “Lấy dân làm gốc” là quan điểm trị quốc chủ đạo của cha ông ta. Đảng ta dựa vào Nhân dân, tin tưởng vào lực lượng, trí tuệ của Nhân dân, thống nhất ý chí và hành động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, tạo thành “thế trận lòng dân”, “pháo đài vững chắc” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó khẳng định chúng ta chỉ có thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước các thế lực thù địch, phản động khi chúng ta biết dựa vào dân và phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu