Ban Tuyên giáo các cấp, đội ngũ Báo cáo viên tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm như: Quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; tuyên truyền về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...
1. Quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
(1) Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị của Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên và nhất là đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở bằng các hình thức phù hợp như tổ chức hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội...
(2) Tham mưu để các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, cụ thể: Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là ban tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
(3) Ban Tuyên giáo các cấp tập trung nghiên cứu, đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng; kết hợp hài hòa với cung cấp thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.
(4) Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu cấp ủy thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở.
2. Về các nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền
2.1. Về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung tuyên truyền nhấn mạnh:
(1) Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Để ngành công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm.
(2) Phát triển công nghiệp văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, các nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
(3) Phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
(4) Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
2.2. Về tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tuyên truyền khẳng định:
(1) Tội phạm công nghệ mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp. Đó là tình trạng tán phát các thông tin có tính chất độc hại hoặc phát tán, đăng tải tin giả, tin sai sự thật; tình trạng sử dụng công nghệ cao xâm phạm dữ liệu số, dữ liệu cá nhân và các hành vi lừa đảo trực tuyến, tín dụng đen ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
(2) Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được ngành Công an triển khai toàn diện trên các mặt công tác; chú trọng hơn công tác quản lý nhà nước góp phần ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện hoạt động của tội phạm.
(3) Ngành Tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tăng cường tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác đối với loại hình tội phạm mới này, như: Khi nhận cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội.
2.3. Tuyên truyền kết quả chuyến công tác, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 05 đến 11/3. Tuyên truyền theo tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh:
(1) Chuyến công tác, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
(2) Đồng thời khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào quan hệ ASEAN - Australia, góp phần đưa các mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Australia và New Zealand đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
2.4. Về tình hình kinh tế - xã hội, tuyên truyền nhấn mạnh:
Hai tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro. Trên thế giới, xung đột ở Biển Đỏ diễn biến phức tạp; xung đột ở Ukraine, Dải Gaza kéo dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng; trong khi giá dầu thô, lương thực tăng, tác động đến lạm phát toàn cầu…
Trong nước, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường; rét đậm, rét hại kéo dài… Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung chuẩn bị phục vụ đón Tết Nguyên đán, bảo đảm cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn và an ninh lương thực được bảo đảm.
2.5. Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)
Tuyên truyền theo Hướng dẫn số 135- HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương. Lưu ý:
(1) Việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử của đất nước trong năm 2024, nhất là sự kiện trọng đại 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(2) Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng với nội dung phong phú, hấp dẫn và hình thức đổi mới, sáng tạo; trong đó cần phân tích, làm rõ tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại, cũng như việc phát huy các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay ở các ngành, địa phương, đơn vị. Đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở tăng cường báo cáo, nói chuyện truyền thống vào dịp kỷ niệm.
(3) Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung triển khai các công việc sau:
Thứ nhất, tham mưu cho cấp ủy tổ chức các hình thức kỷ niệm phù hợp; căn cứ vào hướng dẫn và đề cương của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng hướng dẫn, đề cương hoặc tài liệu tuyên truyền về sự kiện đến cơ sở.
Thứ hai, chỉ đạo đài Phát thanh - Truyền hình địa phương phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng và phát sóng các phim tài liệu, phóng sự về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thứ ba, chỉ đạo Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố động viên văn nghệ sĩ, đội ngũ phóng viên bám sát thực tiễn tuyên truyền, phổ biến, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thứ tư, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác cổ động trực quan, nhất là trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên đường phố, khu dân cư; thông tin trên các bảng điện tử, pa nô, áp phích, khẩu hiệu bảo đảm tính thời sự, ý nghĩa của sự kiện.
2.6. Tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định
Đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở các tỉnh ven biển đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, sát hợp thực tế để nâng cao nhận thức của ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy