Xã Đồng Sơn: Lễ cúng kỳ yên Đình Thần Đồng Sơn

Thứ sáu - 29/12/2023 20:44
Ngày 27, 28/12/2023 (nhằm ngày 15, 16/11 âm lịch năm Quý Mão), Ban phụng tự Đình Thần Đồng Sơn tổ chức lễ cúng kỳ yên lệ kỳ đợt hai trong năm.
Người dân tham dự lễ cúng kỳ yên tại Đình Thần Đồng Sơn.
Người dân tham dự lễ cúng kỳ yên tại Đình Thần Đồng Sơn.

Đình Thần Đồng Sơn được công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa vào tháng 12 năm 2013 và được Ủy ban nhân dân xã ra Quyết định thành lập Ban phụng tự Đình văn hóa với các nhân sự được phân công cụ thể rõ ràng để điều hành gồm 22 người do ông Võ Văn Sáu làm Trưởng ban. Với tinh thần đoàn kết trách nhiệm trong việc bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa nơi thờ tự, đã thành lập Ban điều hành có 05 người, Ban cúng lễ có 08 người, Ban lễ tân có 06 người, Ban quản lý tài sản Đình có 02 người, Ban ẩm thực có 03 người.

Ban phụng tự luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn phát huy nơi thờ tự, giữ gìn cảnh quan môi trường xung quanh sạch đẹp cũng như trong việc hướng dẫn nhân dân thờ cúng đúng theo quy định, tuân thủ nội quy nơi thờ tự, tích cực vận động nhân dân đến hành hương tham gia tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hoá.

Đình Thần Đồng Sơn là một ngôi Đình cổ tại tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Ở làng Đồng Sơn có 01 ngôi Đình rất cổ kính toạ lạc tại ấp Thạnh Thới, xã Đồng Sơn, có diện tích tự nhiên là 475,8m2, cơ sở thờ tự hoạt động theo tín ngưỡng thể hiện sự tôn thờ tưởng niệm và tôn vinh những người có công với cộng đồng xã hội theo truyền thống tín ngưỡng dân gian và Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ và Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Từ đó mọi người luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam, luôn giữ gìn phát huy cơ sở vật chất, sự tôn nghiêm nơi thờ tự.

Đình được vua Tự Đức (tức năm Tự Đức thứ 5 năm 1853) phong thần cho 03 sắc vị có công khai phá, giúp đỡ che chở, bảo vệ thần dân trong vùng gồm: Sắc “BẠCH MÃ TÔN THẦN”; Sắc “ĐẠI CÀN QUỐC GIA NAM HẢI”; Sắc “BỔN CẢNH THÀNH HOÀNG”.

Theo tập tục thời xưa Đình Đồng Sơn một năm có 02 lệ cúng:

- Một lệ vào ngày 15 -16 tháng 3 âm lịch.

- Một lệ vào ngày 15 -16 tháng 11 âm lịch.

Theo lời kể của các vị cao niên thì ngày xưa Đình Đồng Sơn được tổ chức lễ cúng hàng năm rất trọng thể, tôn nghiêm, trang trọng không những dân ở địa phương đến cúng bái cầu phước mà bá tánh ở các tỉnh xa, bà con trong vùng đi làm ăn xa đến ngày cúng Đình đều về đến thắp hương khấn vái. Lễ cúng được tổ chức kéo dài mấy ngày đêm, cúng quyền thì làm cổng chào tam quan, đường xá dọn dẹp sạch sẽ, nhà dân quét dọn trang hoàng, khang trang. Lễ cúng khởi đầu từ ngày 14 âm lịch đến ngày 16 âm lịch, chiều 14 các vị chức sắc mặc sắc phục theo chức vụ cùng các vị trong ban ngoại hội tệ áo dài khăn đóng cùng dân chúng và học sinh, đội lân, các trai tráng áo chẽn quần bó ống khiêng kiệu chạm trổ, bàn hương án từ Đình Đồng Sơn vô chợ Cũ (Đình Trung Đồng Thạnh) thỉnh sắc thần về Đình Đồng Sơn để cúng bái.

 

cung dinh dong son (2)


Đoàn rước được đội lân múa mở đường, hai bên có 02 đoàn binh khí chiêng trống đánh liên hồi, bàn hương án và kiệu thỉnh sắc thần hương trầm nghi ngút, các vị chức sắc đi sau, người dân đi trước kéo dài cả trăm mét. Đến khuya, rạng sáng ngày 16 âm lịch thì làm lễ trước sân Đình: lễ cúng đưa tàu tống gió, lễ cầu an cho bá tánh, có thầy pháp múa cúng, sau đó khiêng thẳng xuống sông có ghe xuồng cặp đưa ra vàm Gò Công thả, sau đó đưa trả sắc thần về an vị tại Đình Trung (Đồng Thạnh) để ở đó làm lễ cúng.

Hàng năm dịp này là để nhân dân cầu an “Phong điều vũ thuận”, đồng thời vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt những quy định của Nhà Nước về tín ngưỡng dân gian, thực hiện đúng quy chế lễ hội của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nêu cao tinh thần, trách nhiệm về bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh cũng như cơ sở vật chất ở nơi thờ tự. Trong suốt quá trình lễ hội luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của Ủy ban nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc, ngành Văn hóa thông tin và các ngành đoàn thể xã tạo điều kiện để Đình thực hiện tốt các tiêu chuẩn của cơ sở thờ tự văn hoá, từ đó đến nay cơ sở thờ tự có bước thay đổi rõ rệt, cơ sở vật chất được tu sửa khang trang hơn, nhân dân ở địa phương và các nơi đến càng đông./.

Tác giả bài viết: Thanh Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây