Huyện Gò Công Tây: triển khai Kế hoạch chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024 tại Đình Vĩnh Bình

Chủ nhật - 14/01/2024 19:47
Vào chiều ngày 12/01/2024, tại Đình Vĩnh Bình- Khu phố 1- Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Ban Tổ chức Các ngày lễ lớn của huyện đã tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024.
Huyện Gò Công Tây: triển khai Kế hoạch chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024 tại Đình Vĩnh Bình

Tham dự cuộc họp có đại diện các phòng, ban ngành chức năng của huyện, Đại diện lãnh đạo UBND Thị trấn Vĩnh Bình, Ban Phụng tự Đình Vĩnh Bình, đại diện Ban lãnh đạo các Khu phố trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình. Theo đó, tại cuộc họp, đại diện các ngành chức năng đã xây dựng phương án chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin về việc tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024 để người dân được biết và tham gia Lễ Hội. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức chuẩn bị nghi thức Lễ Hội được sắp xếp, bố trí các nghi thức Lễ trang nghiêm, đầy đủ ý nghĩa. Theo Kế hoạch của Ban Tổ chức Lễ Hội Kỳ Yên năm 2024, Lễ Hội năm nay được diễn ra trong thời gian 03 ngày từ ngày 14 âm lịch tháng Chạp đến ngày 16 âm lịch tháng Chạp ( từ ngày 24/01/2024 đến ngày 26/01/2024). Gồm các nghi thức như Lễ Cung nghinh sắc Thần đến Thiên Y Thánh Miếu, Lễ tế Bà, di sắc Thần về Đình An vị, bà con nhân dân đến cúng Tế Thần, Lễ Cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, Lễ cúng vong linh liệt sĩ, đội Lân rồng sẽ múa biểu diễn quanh Khu phố chợ Vĩnh Bình và các tuyến đường nội ô Thị trấn để chúc mừng sự phát triển thịnh vượng của quê hương. Ngày 16 âm lịch- ngày cuối của Lễ Kỳ Yên sẽ diễn ra Lễ Tế Thần, bà con Nhân dân xa gần, quan khách, các Đình bạn đến cúng tế Thần, Lễ Tiếp tân, Lễ Tống Gió.

Ban Tổ chức Lễ hội Kỳ Yên cũng đề nghị lực lượng Công an Thị trấn hỗ trợ xây dựng các phương án đảm bảo an toàn trật tự an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự tại các đoạn ngã ba, ngã tư để Đoàn rước Thần trong Lễ Kỳ Yên được thuận lợi, đảm bảo cho người dân cùng được tham gia an toàn với Lễ.

Lễ Hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây là Lễ hội Kỳ yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Đình nằm trong nội ô thị trấn Vĩnh Bình. Từ xa xưa, vùng đất này đã sớm có người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến sống rải rác trên giồng cát. Khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, có ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 người đến lập nghiệp. Ông Huê là người giỏi giang, biết hốt thuốc, sống đức độ được bà con trong vùng quý mến.

z5068900976332 2b33d875f284fecab549e6494b183f59
 
z5068900980402 f0b8e20604c6eb46c594efb56b2bee35


Năm Mậu Thìn 1808 lập làng Vĩnh Lợi (lúc đó thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường), ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miếu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi để thờ Thành Hoàng. Năm Ất Hợi 1815, ông Huê lập chợ Vĩnh Lợi, dân trong vùng quen gọi là chợ Giồng. Khi ông Huê qua đời, Giồng đất này được gọi là Giồng ông Huê và chợ Vĩnh Lợi cũng được gọi là chợ Giồng ông Huê (Chợ được đổi tên thành Chợ Vĩnh Bình ngày nay).

Năm 1995, cùng với sự quyên góp của dân làng, những nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cho xây dựng một ngôi Đình mới, tọa lạc tại Khu phố 1- thị trấn Vĩnh Bình, lấy mẫu theo kiến trúc đền thờ Trương Ðịnh, bổ sung một số chi tiết cho thêm phần cổ kính. Trong những ngày Lễ hội, đường phố tại thị trấn Vĩnh Bình trở nên nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất, chưng mâm ngũ quả trước cửa nhà để đón rước “Sắc Thần”. Cầu mong gửi gắm niềm tin hy vọng vào một năm mới an lành, thuận lợi.

Hằng năm, Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng tháng Chạp (âm lịch), người dân huyện Gò Công Tây ai ai cũng đều mong chờ, háo hức với Lễ hội Kỳ Yên. Cách đây vài năm, khi thời điểm đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Lễ Hội Kỳ Yên các năm đó chỉ được tổ chức trong phạm vi nhỏ không có sự tham gia đông đúc của người dân, năm ấy dường như thiếu đi một cái gì quen thuộc thân thương mà người dân mong đợi. Từ trưa ngày 14 tháng Chạp, đội Lân, rồng của Đình cung thỉnh linh từ “Bàn các ấp” của các khu phố trên địa bàn thị trấn về Đình, để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miếu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương, đến 17 giờ chiều đoàn rước linh đi một vòng chợ Vĩnh Bình rồi đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rất long trọng, sau đó mới đưa linh vị Thần trở về đình Vĩnh Bình an vị.

le ky yen go cong tay
 
z5068900995643 35bb7e1904afdca5edf61569785d29f0


Dân làng dâng lễ vật như: Xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái, thậm chí cả heo quay đến cúng đình. Vào nửa đêm, lễ Tống Gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy kiếng được trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy thả trôi sông cùng các nghi lễ tống gió độc, những điều xui xẻo ra biển, kết thúc 3 ngày đêm sống trong những cảm xúc, tâm linh của nhiều nghi lễ, náo nhiệt của những ngày lễ hội.

Lễ hội Kỳ Yên ở huyện Gò Công Tây mang đậm nét văn hóa truyền thống của vùng đất nông nghiệp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay, việc nhân dân tổ chức lễ hội nhằm đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa; đồng thời cùng nhau cầu cho một năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu... Đây là một trong những nét đẹp văn hóa dân gian của địa phương rất đáng trân trọng và giữ gìn từ bao đời nay của người dân huyện Gò Công Tây.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Giang Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây