Trong năm 2023, UBND huyện Gò Công Tây đã chỉ đạo nghiêm túc, thường xuyên quán triệt thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 06/01/2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang và Kế hoạch 112/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND tỉnh Tiền Giang về tăng cường thực hiện các nội dung về chuyển đổi số. Trên lĩnh vực nông nghiệp huyện đã thực hiện và duy trì việc cấp mã số vùng trồng, lĩnh vực giáo dục- đào tạo, 100% hệ thống các trường học trên địa bàn huyện đều sử dụng tốt văn bản trực tuyến, sổ liên lạc điện tử, 100% các trường học trên toàn địa bàn huyện đều có lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các lĩnh vực môi trường, giao thông, lao động thương binh và xã hội, lĩnh vực văn hóa đều triển khai áp dụng các hình thức công nghệ chuyển đổi số vào lĩnh vực mình phụ trách. Về lĩnh vực chính quyền số, UBND huyện được Đoàn kiểm tra đánh giá cao hiệu quả thực hiện. Tỷ lệ trao đổi văn bản hoàn toàn dưới dạng điện tử có chữ ký số theo quy định đạt 100%.
Đến nay, huyện đã tích hợp được 249 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Tiền Giang đạt tỷ lệ 96,51%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính có phí, lệ phí được thanh toán trực tuyến đạt tỷ lệ 42,78%. Về kinh tế số được huyện chú trọng triển khai thực hiện tốt, thông qua mô hình cà phê doanh nghiệp, huyện đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện sử dụng các nền tảng số hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp. Toàn huyện có 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch, có 31 sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh. 100% Hợp tác xã, Quỹ tín dụng Nhân dân tham gia khảo sát đánh giá mức độ hài lòng. Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với Công an huyện trích lọc dữ liệu quản lý, cập nhật số định danh cá nhân, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, Bảo hiểm xã hội huyện đã cập nhật được 94.615 số định danh cá nhân trên dữ liệu quản lý, trong đó đã xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 93.779 trường hợp, còn lại 863 trường hợp chưa xác thực do sai thông tin. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội huyện cũng đã tích hợp được 25 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 16 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó có 03 dịch vụ công thanh toán trực tuyến bao gồm thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện và gia hạn thẻ Bảo hiểm Y tế. Tất cả các dịch vụ công đều áp dụng ở mức độ 4.
Đoàn Kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã đi kiểm tra thực tế tại các phòng, ban chuyên môn, từ đó chỉ ra những mặt còn hạn chế như một số đơn vị thiết bị cấu hình máy tính làm việc còn yếu, chưa nâng cấp, chưa cài đặt bảo mật cao, việc lưu trữ văn bản, sao lưu định kỳ văn bản, đề nghị cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống máy tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay. Bên cạnh đó, đoàn cũng nêu lên một số hạn chế của Tổ công nghệ số cộng đồng tại cơ sở chưa thực sự hoạt động hiệu quả, cần tiến hành rà soát chọn lựa kỹ các thành viên tham gia, tổ chức tập huấn kiến thức cho thành viên phải am hiểu về công nghệ thông tin, biết sử dụng điện thoại thông minh, thao tác được các công việc có liên quan đến hồ sơ văn bản theo hướng hiện đại. Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng thực hiện thêm việc ký số trên sim điện thoại để tăng tính tiện lợi của điều hành quản lý.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của Đoàn kiểm tra về công tác chuyển đổi số và nhanh chóng có kế hoạch, triển khai thực hiện, khắc phục các mặt còn hạn chế, trong đó tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức từ huyện đến xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo sự khác biệt, thuận lợi tích cực từ công cuộc chuyển đổi số mang lại.
Tác giả bài viết: Kim Lan