Hội thi hoa kiểng, bon sai mai chiếu thủy nu Gò Công năm 2023 tại huyện Gò Công Tây diễn ra từ ngày 22/12 đến ngày 24/12/2023. Hội thi quy tụ hơn 200 tác phẩm dự thi gồm kiểng cổ và kiểng bon sai, mai chiếu thủy nu Gò Công đến từ hơn 10 đơn vị Hội hoa kiểng của các huyện, thị trong và ngoài tỉnh Tiền Giang. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao các giải vàng, bạc, đồng tại hội thi kiểng cổ năm 2023.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức Hội thi đã ôn lại ý nghĩa truyền thống xuất xứ của cây Mai nu chiếu thủy Gò Công. Cây “mai chiếu thủy” vốn đã bén rễ ở vùng đất Gò Công hơn 100 năm, và là một cây cảnh (kiểng) chủ lực của vùng đất này. Hiện nay, huyện Gò Công Tây (một trong 04 huyện, thị trong vùng Gò Công) được biết đến là vùng lõi của sản phẩm này với tổng diện tích trồng cây mai nu chiếu thủy khoảng 34 ha, tập trung nhiều nhất là ở xã Thạnh Nhựt (20,9 ha); Long Vĩnh (05 ha); Bình Nhì (2,5 ha); Vĩnh Hựu (03 ha) và thị trấn Vĩnh Bình (2,5 ha). Riêng ở xã Thạnh Nhựt, diện tích trồng cây mai chiếu thủy nu là 20,9 ha, trồng nhiều nhất là ấp Thạnh Lạc Đông và ấp Tân Thạnh. Chủ yếu là trồng trước sân nhà vừa làm đẹp cho cảnh quang nhà vừa làm kinh tế. Đối với cây mai chiếu thủy nu nguyên liệu thì hộ dân trồng xen trong vườn dừa hoặc trồng ngoài ruộng.
Nghề trồng mai chiếu thủy nu gắn bó bền bỉ với người dân vùng đất Gò Công này từ bao đời nay bởi nó vừa tạo thú vui tao nhã, vừa giúp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng có một không hai cho vùng đất xứ Gò Công. Chính những giá trị và lợi thế của cây mai nu tại vùng đất Gò Công Tây đã làm giá thành của cây mai nu thương phẩm khá cao trên thị trường, cây thành phẩm tùy theo hình dáng, tuổi thọ mà có cây khoảng vài chục triệu đồng, thậm chí có những cây có giá trị vài trăm triệu. Nghề trồng mai nu không chỉ tạo thú vui, mà còn giúp nhiều hộ gia đình trong và ngoài huyện Gò Công Tây phát triển kinh tế, nhờ cây mai nu nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học thành tài.
Với giá trị kinh tế cao, chất lượng đặc thù được thị trường ưa thích và danh tiếng rộng rãi đã được thừa nhận, cây mai chiếu thủy nu Gò Công có nhiều cơ hội để ngày càng phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong thách thức lớn đó là việc gìn giữ thương hiệu và chống các hành vi giả mạo nguồn gốc sản phẩm mai chiếu thủy nu Gò Công.
Thời gian qua, UBND huyện Gò Công Tây cùng với Hội sinh vật cảnh đã đề xuất với Sở KH&CN xây dựng và ra mắt thành công thương hiệu cho cây mai nu chiếu thủy nhằm phát huy lợi thế của cây mai nu gắn với địa danh của Gò Công, qua đó nâng cao giá trị hơn nữa của cây mai nu, góp phần thu hút du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp đồng thời gìn giữ danh tiếng cũng như chất lượng của cây mai nu Gò Công. Nhãn hiệu Mai chiếu thủy nu Gò Công được công nhận nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế cũng như nâng cao giá trị nhận diện thương hiệu cho sản phẩm “Mai chiếu thủy nu Gò Công” đến khách hàng và người thưởng lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời giúp quản lý, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị ổn định cho các chủ thể trồng, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Gò Công Tây nói riêng. Qua đó giúp nhãn hiệu chứng nhận “Mai chiếu thủy nu Gò Công” vươn lên đáp ứng được nhu cầu hội nhập vào thị trường trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh của Tiền Giang đến với người tiêu dùng. Hội thi là dịp tôn vinh, quảng bá hình ảnh cây mai nu, và cũng là cơ hội giúp các chủ thể trồng, kinh doanh sản phẩm Mai nu Gò Công có điều kiện mở rộng, giao lưu mua bán với các đối tác trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam