Tại lớp học, các học viên đã được nghe Thầy Lâm Chí Lợi- Giảng viên bộ môn đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang và nghệ sĩ cải lương Phan Nguyệt Châu trao đổi kinh nghiệm về nghệ thuật đờn ca tài tử; phân tích và trao đổi cấu trúc nhạc lý trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Qua những kiến thức cơ bản của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, các giảng viên sẽ hướng dẫn cho các học viên thực hành các bài ca cổ theo các điệu khác nhau như: Lý tòng quân, Lý chim xanh, Lý chiều chiều Huế, Dạ cổ hoài lang, Lưu Thủy doãn, Bình Bán vắn,…
Với cách giảng dạy dễ hiểu và gần gũi, các giảng viên đã truyền thụ được nhiều nội dung kiến thức của đờn ca tài tử giúp các học viên có được nền tảng kiến thức vững chắc, từ đó giúp học viên có thể trình bày được nhiều bài ca khác nhau, ca được nhiều thể loại làn điệu trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Thông qua lớp học, còn tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát hiện và phát huy được sở trường, năng khiếu của các học viên có niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử, từ đó giúp các học viên có điều kiện rèn luyện năng khiếu của mình, nuôi dưỡng ước mơ và trở thành những hạt nhân trong phong trào văn nghệ của địa phương. Ngoài ra, qua lớp năng khiếu cũng là cầu nối giữa các nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh với người dân địa phương, giúp mọi người có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đó không ngừng tích cực tham gia đóng góp vào phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện nhà ngày càng phát triển vững mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sôi nổi. Lớp tập huấn kiến thức đờn ca tài tử cũng dịp để các học viên hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Đồng thời, nâng cao về trình độ, cũng như sự hiểu biết, từ đó góp phần phát triển phong trào đờn ca tài tử tại huyện Gò Công Tây. Được biết, trong thời gian qua, bằng sự quyết tâm vực dậy và phát triển các phong trào văn nghệ trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử tại huyện Gò Công Tây, đơn vị Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện đã duy trì và tổ chức nhiều hoạt động đờn ca tài tử đến với rộng rãi cộng đồng Người dân huyện nhà như: Chương trình Đờn ca tài tử “Hương đất Giồng”, chương trình đờn ca tài tử “ Tài tử Xứ Gò” được tổ chức trung bình mỗi tháng 1 lần tại sân khấu Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh huyện, các chương trình này đều được tổ chức dàn dựng công phu, có nội dung chất lượng, định kỳ Ban Tổ chức còn mời các Đoàn cải lương tỉnh bạn về để biểu diễn giao lưu các trích đoạn cải lương hay đặc sắc, từ đó tạo sức hấp dẫn cho chương trình, thu hút được đông đảo người mộ điệu đờn ca tài tử đến xem và tham gia. Qua đó góp phần bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, từng bước nâng cao giá trị của đờn ca tài tử gắn với văn hóa sinh hoạt thường ngày ở cộng đồng dân cư. Nhìn chung, mặc dù có nhiều thuận lợi và gặp không ít khó khăn, hoạt động phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn huyện Gò Công Tây vẫn đã và đang góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của Di sản Văn hoá phi vật thể “ Đờn ca tài tử” của nhân loại.
Tác giả bài viết: Kim Lan