Trong những năm gần đây vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang là vấn đề có tính thời sự, cấp bách, việc khí hậu ngày càng nóng ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh. Nhất là các vùng nông thôn, nguồn nước và các công trình vệ sinh chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu, kiến thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Do vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm chúng ta cần nắm được “5 chìa khóa vàng đảm bảo thực phẩm an toàn” được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị như sau:
1. Giữ vệ sinh
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm.
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm.
- Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
2. Để riêng thực phẩm sống và chín
- Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm khác.
- Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.
- Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín.
3. Nấu và chế biến đúng cách
- Đun nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản.
- Các thực phẩm như súp, nước dùng phải đun sôi. Đối với thịt gia súc và gia cầm, sau khi nấu, luộc, nước bên trong miếng thịt phải trong, không còn màu hồng.
- Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước.
4. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
- Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 5 oC).
- Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60 oC) trước khi ăn.
- Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu kể cả để trong tủ lạnh.
- Không rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng.
5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
- Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm.
- Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng.
- Chọn thực phẩm đã qua chế biến phải đảm bảo an toàn, thí dụ như sữa thanh trùng.
- Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống.
- Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
Vì vậy, việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách là hết sức cần thiết mà mỗi người nên thực hiện để bữa ăn của mình an toàn hơn, chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thúy Hằng - TTYT huyện Gò Công Tây