Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2, bao gồm 2 trường hợp tử vong, trong đó 96 trường hợp được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp tại Campuchia. Hầu hết các trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, 2 trường hợp tử vong là người có bệnh nền.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ghi nhận một ca bệnh nhiễm cúm gia cầm A(H9N2) đầu tiên trên cả nước. Trước đó nam bệnh nhân 37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, được bệnh viện địa phương chuyển đến TP.HCM điều trị với chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá trên nền loét dạ dày, xơ gan, nhiễm trùng huyết, xét nghiệm dương tính với cúm A, đến ngày 01 tháng 4 năm 2024 xét nghiệm lần 2 phát hiện mắc cúm A(H9N2).
Đối với ca mắc cúm A(H9N2) tại Tiền Giang, do có bệnh nền là xơ gan và tiểu đường nên bệnh nhân có dấu hiệu triệu chứng nặng hơn.
Trước những lo lắng của người dân về trường hợp mắc cúm A(H9N2), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS.BS Hoàng Minh Đức cho biết, cúm A(H9N2) là chủng độc lực có nguy cơ thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây bệnh trên gia cầm nên rất khó phát hiện. “Đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người. Do đó, chúng tôi khẳng định nguy cơ thành dịch thấp, tuy nhiên nguy cơ về số mắc là có vì với điều kiện thời tiết, giao thương buôn bán gia cầm, chim và động vật hoang dã di cư theo thời tiết".
Hiện vẫn chưa có thông tin cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến đổi gen và thay đổi độc lực... Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế tại Hội nghị công tác phòng, chống dịch tỉnh Tiền Giang năm 2024 thì trong quá trình biến đổi của virus thì chúng có thể thay đổi độc lực cao hơn hoặc kết hợp với chủng virus khác tạo ra chủng khác có độc lực cao sẽ nguy hiểm cho cộng đồng.
Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
Để phòng bệnh cúm gia cầm, người chăn nuôi cần lưu ý:
- Nuôi nhốt gia cầm, nhất là vịt trong chuồng xa nhà ở và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
- Nuôi thả trong khu vực khép kín (có rào bao quanh).
- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy….
- Khi thấy gia cầm ốm, chết, người dân cần tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, phải báo cho cán bộ thú y, không tự chữa cho gia cầm ốm.
- Khi có chim hoang dã bị chết ở khu vực nuôi gia cầm, cần đeo khẩu trang và găng tay để cho vào túi nilon, đồng thời báo cho cán bộ thú y.
- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm.
- Không buôn, bán, vận chuyển gia cầm chưa được kiểm dịch không đúng quy định.
- Tiêm phòng cho gia cầm: Tiêm vác xin phòng cúm cho gia cầm nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia cầm và cho người, nhưng được thực hiện đồng thời với các biện pháp phòng chống khác như đã nói ở trên.
Để phòng bệnh cúm gia cầm từ gia cầm bệnh sang người, mỗi chúng ta cần lưu ý:
- Thứ nhất, là rửa tay là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng tránh bệnh cúm. Mỗi người phải quan tâm việc thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng. Rửa tay trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn; Rửa tay trước khi ăn; Rửa tay sau khi đi vệ sinh; Rửa tay sau khi tiếp xúc, giết mổ, dọn dẹp chất thải động vật; Rửa tay khi tay bẩn; cuối cùng là rửa tay khi chăm sóc người bệnh.
Cần rửa tay thật sạch bằng xà bông và dưới vòi nước chảy.
- Thứ hai, là vệ sinh hô hấp cũng quan trọng. Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, hoặc khăn giấy hoặc dùng tay che lại. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín. Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.
- Thứ ba, Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc và hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, luôn đảm an toàn thực phẩm.
- Thứ tư, Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Thứ Năm, Hạn chế tiếp xúc người bệnh và khi chính bản thân mình hay người trong gia đình có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
- Thứ Sáu, Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Tác giả bài viết: Phượng Huỳnh - TTYT huyện Gò Công Tây.
Nguồn tin: “Dự án tăng cường giám sát và phòng chống đại dịch cúm ở người” của Bộ Y tế