Banner 30-4-2024

Huyện Gò Công Tây: Quá trình thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 của các đơn vị góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Thứ năm - 14/09/2023 11:17

Thời gian qua, huyện Gò Công Tây tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng và gương mẫu thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành các quy định về cư trú, đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế tích hợp vào CCCD tại Trung tâm Y tế Gò Công Tây.

Khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế tích hợp vào CCCD tại Trung tâm Y tế Gò Công Tây.

Xác định việc thực hiện Đề án 06 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là bước đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số của huyện nhà. Đến nay, trên địa bàn huyện, Công an huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử, ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD), việc quét mã QR gắn trên thẻ Căn cước công dân để xác thực thông tin công dân, chống giả mạo trong giao dịch tài chính.

Đối với ngành Bảo hiểm xã hội huyện: Đã triển khai, tích hợp 3 dịch vụ công thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện và gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế. Ngành Bảo hiểm xã hội đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới triển khai sử dụng căn cước công dân thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó BHXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn Vĩnh Bình đơn vị sử dụng lao động và chỉ đạo hệ thống nhân viên đại lý thu thập căn cước công dân hoặc mã số định danh để cập nhật vào phần mềm quản lý Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.

Đã triển khai liên thông dữ liệu Bộ Tư pháp trong việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Triển khai việc xác thực tự động thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hỗ trợ quan trọng ứng dụng trên thiết bị di động VssID- BHXH số, tích hợp thẻ ảnh BHYT trên ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy, trong khám chữa bệnh BHYT từ giữa năm 2021.

Ngành Ngân hàng đã triển khai việc quét mã QR gắn trên thẻ CCCD để xác thực thông tin khách hàng, chống giả mạo trong giao dịch tài chính.

Ngành Thuế huyện Gò Công Tây đã triển khai ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động để cung cấp chức năng về nộp thuế điện tử, đăng ký giao dịch thuế điện tử, tra cứu thông tin, nghĩa vụ thuế, thông báo thuế cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng và triển khai nội dung của Đề án 06 đến cán bộ nhân viên thuộc đơn vị và tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân khai báo bằng thẻ căn cước công dân. Tiếp tục thực hiện tiếp nhận khám, chữa bệnh trên ứng dụng thiết bị di động VssID, tích hợp thẻ ảnh Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy, trong khám và chữa bệnh Bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho người dân.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Hiện nay, đã và đang thực hiện chi trả chế độ bảo trợ xã hội và chế độ người có công cho người dân qua tài khoản ngân hàng, thẻ ATM.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn huyện Gò Công Tây ngày càng đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Huyện đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đã được ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Đề án 06/CP. Kết quả huyện đã thực hiện được 18/25 dịch vụ công quốc gia. Kết quả thực hiện các dịch vụ công của ngành Công an đã thực hiện được các dịch vụ công gồm: Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân, Đăng ký thường trú, Đăng ký tạm trú, Khai báo tạm vắng, Thông báo lưu trú, Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy…

Kết quả thực hiện các dịch vụ công của cơ quan, ban ngành đến nay đã thực hiện được các dịch vụ công như: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử, Đăng ký kết hôn. Điểm thuận lợi của sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh… Cụ thể người dân có thể dễ dàng sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Giúp cho người dân thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Hiện tại, trên địa bàn huyện có Trung tâm Y tế huyện và 13 Trạm Y tế xã, thị trấn Vĩnh Bình đã thực hiện khám chữa bệnh áp dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp. Sau thời gian triển khai khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp có thể thấy, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, bước đầu đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở khám, chữa bệnh; góp phần khắc phục những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục, thời gian chờ đợi của người bệnh; đồng thời minh bạch thông tin, tránh gian lận, trục lợi trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã duy trì mô hình “Cà phê Doanh nghiệp” hàng tháng góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trong và ngoài huyện. Kể từ khi triển khai thực hiện tháng 10/2018 đến nay, UBND huyện đã tổ chức được gần 60 buổi gặp mặt với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhìn chung, việc triển khai bước đầu đạt được hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, đón nhận tích cực. Thông qua các buổi “cà phê doanh nghiệp”, lãnh đạo UBND huyện và doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội trao đổi thẳng thắn về tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời nắm bắt các vướng mắc về mặt cơ chế chính sách nói chung và khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng, để từ đó hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Thông qua mô hình cà phê doanh nghiệp các Doanh nghiệp cũng được tuyên truyền lợi ích của công tác chuyển đổi số, hiểu và cùng chung sức đồng lòng tích cực tham gia chuyển đổi số theo hướng có lợi cho Doanh nghiệp nói chung.

Trong thời gian tới đây, UBND huyện Gò Công Tây tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp vận động đoàn viên, hội viên tích cực tuyên truyền và gương mẫu trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; phân công đoàn viên, hội viên hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức hỗ trợ để người dân được tiếp cận với Internet và truy cập, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được thuận lợi.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn