Trong tập huấn được ông Ngô Xuân Quý – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây báo cáo về tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Gò Công Tây nói riêng. Hướng dẫn người dân bằng tuyên truyền miệng và hình ảnh minh họa, cách nhận biết và các giải pháp phòng các loại bệnh ở đàn vật nuôi như: Dịch tả heo Châu Phi, Tai xanh, Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục… Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu là: Cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh gió lùa; khi nhiệt độ môi trường giảm xuống thấp cần giữ ấm cho đàn vật nuôi nhất là gia súc, gia cầm còn non, mới đẻ ( cần có bóng điện, chụp sưởi…). Định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất sát trùng có hiệu quả cao, an toàn. Việc phun tốt nhất là phun định kỳ 1 lần/tuần, phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Phát hoang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của động vật trung gian truyền bệnh; tăng cường thu gom chất thải, quét dọn chuồng nuôi, hàng ngày rửa sạch máng ăn máng uống. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật. Việc phòng bệnh cho con vật là yếu tố bắt buộc và kiên quyết, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Hàng ngày luôn quan sát, theo dõi vật nuôi, khi phát hiện con vật không bình thường ( bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm…) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ấm cho con vật nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực. Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nên nhập ở nơi có uy tín, được cơ quan Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, điều kiện chăn nuôi đồng thời thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn dịch bệnh chăn nuôi có hiệu quả bền vững, sẽ đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm trong giai đoạn chuyển giao mùa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.