Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây tổ chức Hội thảo về “Đánh giá hiệu quả của việc sản xuất nấm rơm trong nhà kín ”

Thứ năm - 17/10/2024 09:20
Nhằm đánh giá hiệu quả của việc sản xuất nấm rơm trong nhà kín so với canh tác theo lối truyền thống ngoài trời, vào sáng ngày 15/10/2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức Hội thảo tổng kết khảo nghiệm đề tài nghiên cứu khoa học về “Đánh giá hiệu quả của việc sản xuất nấm rơm trong nhà kín so với canh tác truyền thống (ngoài trời)” thực hiện tại ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị.
Các đại biểu tham quan khảo nghiệm Đề tài Trồng nấm rơm trong nhà kín.
Các đại biểu tham quan khảo nghiệm Đề tài Trồng nấm rơm trong nhà kín.
Tham dự Hội thảo có ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, ông Lê Minh Hoàng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, đại diện lãnh đạo UBND xã Thạnh Trị và cán bộ Hội Nông dân 12 xã, thị trấn Vĩnh Bình và hơn 20 hội viên nông dân xã Thạnh Trị. Tại chương trình, các đại biểu đã tham quan mô hình khảo nghiệm trồng nấm rơm từ phụ phẩm rơm tự nhiên với meo giống trong nhà kín từ đó có những đánh giá nhận xét về ưu, khuyết điểm của mô hình để vận dụng vào sản xuất mang lại nguồn thu nhập ổn định từ nghề trồng nấm rơm.
 
tham quan mo hinh nam rom go cong tay (2)

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Mô hình khảo nghiệm sản xuất nấm rơm trong nhà kín của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và huyện Gò Công Tây nói riêng, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều đối tượng mới và tốc độ lây lan nhanh, hạn mặn có xu hướng xâm nhập sâu và tác động lớn đến việc nuôi trồng. Bên cạnh các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh cây trồng trên nền đất lúa đang dần mang lại hiệu quả thiết thực thì việc tăng giá trị sản xuất lúa cũng ngày càng được quan tâm. Vì thế, việc sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ sau thu hoạch như làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong đó, nguồn rơm rạ thu hoạch vào mùa mưa tại các xã vùng trũng trên địa bàn huyện như xã Long Vĩnh, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Long Bình khá phát triển, đa số người dân đều biết tận dụng phụ phẩm rơm để trồng nấm do mùa mưa không lấy rơm khô để làm thức ăn gia súc được nên chuyển sang trồng nấm. Riêng tại Tổ Hợp tác trồng nấm rơm tại ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị hàng năm sản xuất với khoảng từ 70.000-100.000 cuộn rơm. Tuy nhiên, việc trồng nấm rơm vào mùa mưa cũng tiềm ẩn các vấn đề khó khăn như mùa mưa độ ẩm cao, nấm khó phát triển dễ bị úng nước. Thêm vào đó, là việc canh tác liên tục trên cùng một nền đất làm tăng tích lũy các đối tượng dịch hại như côn trùng ăn nấm, các loại nấm dại. Để khắc phục các vấn đề trên thì một trong những phương pháp khả thi nhất đó là áp dụng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Mô hình này được đánh giá cao về tính hiệu quả khi sản xuất nấm rơm trong mùa mưa do người trồng sẽ kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ, không bị ảnh hưởng trực tiếp của nước mưa giúp tăng năng suất, chất lượng nấm lên gấp nhiều lần so với sản xuất theo lối truyền thống ngoài trời vào mùa mưa, mô hình này tạo sự ổn định về năng suất, chất lượng trong canh tác nấm rơm dài lâu.

Nội dung thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện bố trí khảo nghiệm 1 ô sản xuất trong nhà kín với diện tích 50 m2, xây dựng 2 dãy kệ, mỗi kệ có 3 tầng, các tầng cách nhau 55 cm, cách mặt đất 30 cm, sử dụng vôi để vệ sinh các kệ, trên nền trại dùng vôi bột khô rắc đều lên mặt nền. Ủ rơm theo cách pha loảng nước vôi để ngâm rơm, cứ 300 lít nước thì hòa tan với 2 kg vôi bột, cho vôi tan hoàn toàn trong nước, chọn lựa rơm đã được phơi khô, sạch, không bị mốc, không bị nhũng nát, ngâm rơm trong nước vôi khoảng 10 phút, để rơm ngậm đủ nước thì vớt ra, chất rơm lên các kệ, phải đảm bảo các kệ có thể thoát nước được, thông thoáng, cao hơn mặt đất khoảng 10-20 cm là được, sau đó cấy meo giống vào rơm, luôn theo dõi nhiệt độ và độ ẩm trong nhà nuôi duy trì ở mức từ 35-38 độ (bằng cách đặt một cái đồng hồ có theo dõi hiển thị cả nhiệt độ và độ ẩm). Hằng ngày, tưới phun sương và mở cửa trại nấm cho thoáng khí khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng, chu kỳ sinh trưởng nấm rơm khá nhanh, từ giai đoạn cấy nấm đến khi thu hái khoảng từ 13-16 ngày, sau khi thu hoạch xong, người trồng nấm tiếp tục chăm sóc phun tưới để nấm tiếp tục ra cho các đợt sau. Kết quả thực hiện mô hình canh tác nấm rơm trong nhà kín cho thấy có nhiều ưu điểm, tăng năng suất và lợi nhuận cho người trồng. Lợi nhuận cho 100 mét vuông diện tích trồng nấm rơm trong nhà đạt được trên 3 triệu đồng cao hơn ngoài trời khoảng 40%. Theo ông Mai Đức Tấn- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết thêm: việc vận dụng sáng kiến đã giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, có kế hoạch sản xuất trong thời tiết mùa mưa, an tâm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu công lao động do có thể làm tại 1 vị trí quanh năm, không cần đổi đất và có thể sản xuất với quy mô lớn. Ngoài việc tạo ra giá trị từ rơm rạ sau thu hoạch, việc phát triển canh tác nấm rơm còn giúp người nông dân tận dụng tốt nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch xong nhất là ở mùa mưa nông dân thường bỏ rơm chất đống ven các kênh mương nội đồng, giảm tình trạng đốt bỏ rơm rạ, đây là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Với kết quả đánh giá khảo nghiệm mô hình nhiều ưu điểm, thuận lợi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn, những kết quả khảo nghiệm đạt được cho bà con nông dân các xã khác trong toàn huyện. tiếp tục nghiên cứu, bố trí khảo nghiệm trên các giống meo phổ biến khác tại địa phương qua các vụ trồng cũng như tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân như đầu tư trang thiết bị, giàn kệ, máy phun sương, các dụng cụ đo nhiệt độ, ẩm độ, để từ đó nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao nhất.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây