Giống ớt được bà con nông dân Gò Công Tây chọn lựa trồng nhiều là ớt chỉ thiên hiệu Chánh Phong, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Sau khi trồng khoảng 70 – 80 ngày là bắt đầu cho thu hoạch trái. Theo ông Lê Thanh Hoàng- nông dân ấp Phú Trung, xã Long Bình có kinh nghiệm nhiều năm trồng ớt cho biết, trong giai đoạn cây ớt phát triển, cách nhau từ 10 đến 15 ngày sẽ bón phân hỗn hợp NPK một lần và kết hợp với xịt thuốc phòng trừ sâu, bệnh, thuộc dưỡng cây đặc biệt là phòng chống bệnh thán thư quắn lá. Thông thường, mỗi vụ ớt sẽ cho thu hoạch khoảng 8 đến 10 đợt, bắt đầu thu hoạch rộ trái từ đợt thứ 3 trở đi với năng suất từ 100 – 150 kg/công đất trồng ớt. Với giá bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí bà con nông dân có lãi khoảng 8-10 triệu đồng/công.
Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng cây con giống cụ thể là cây ớt trong những năm qua không chỉ mang đến nguồn thu nhập cho bà con nông dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Gò Công Tây. Bên cạnh đó, công việc hái ớt với giá 25.000 đồng một giờ cũng góp phần mang lại nguồn thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày cho nhiều người lao động tại địa phương.