Huyện Gò Công Tây tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại xã Yên Luông

Thứ hai - 09/09/2024 10:54
Nhằm giúp cho bà con nông dân tại các xã trên địa bàn huyện Gò Công Tây có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm áp dụng nhân rộng mô hình canh tác sản xuất lúa theo hướng thông minh giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng với các sở ngành tỉnh, các đơn vị Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã Yên Luông tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, bà con nông dân, cán bộ nông nghiệp trong toàn huyện.
Huyện Gò Công Tây tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại xã Yên Luông

Tại chương trình, bà con nông dân được nghe các cán bộ lãnh đạo nông nghiệp, các kỹ sư nông nghiệp của các Doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giới thiệu các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay để áp dụng vào canh tác lúa thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, trong đó chủ yếu tăng cường áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp như sạ hàng, sạ cụm, bón phân, phun thuốc bằng máy móc hiện đại, từ đó giúp cho người nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo của huyện, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hiện nay. Một trong những điểm nổi bật của mô hình Canh tác lúa thông minh giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, đây là một nội dung chủ yếu của huyện đã và đang triển khai thực hiện thí điểm đề án “ Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030” mà huyện Gò Công Tây đang định hướng thực hiện trong thời gian tới với dự kiến đến năm 2030 là 7.254 hecta/ 16.859 hộ tại 12 xã và thị trấn Vĩnh Bình.
 

dang gia ket qua mo hinh trong lua (1)


Nhìn chung, các đại biểu sau khi tham quan khảo sát mô hình đã đánh giá cao về mô hình này, đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả của mô hình, nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo sạ, bà con nông dân trong mô hình đã tiết kiệm đáng kể phân bón, số lượng giống, tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Được biết mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh thử nghiệm đầu tiên tại xã Yên Luông nên được huyện tạo điều kiện liên kết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ miễn phí hoàn toàn quy trình cơ giới hóa, hỗ trợ 1 phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật sản xuất, liên kết doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra có giá cao hơn giá thu mua bên ngoài. Nhìn chung mô hình bước đầu cho thấy tính hiệu quả, bà con nông dân đồng tình ủng hộ, đây là mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế ổn định bền vững mà còn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Tại hội thảo bà con nông dân cũng được nghe Kỹ sư nông nghiệp của tỉnh, huyện khuyến cáo tư vấn trả lời về các giải pháp chăm sóc, bảo vệ thực hiện tốt xuống giống gieo sạ vụ lúa tiếp theo trong năm 2024 để đạt năng suất chất lượng cao cụ thể như: Tăng cường làm kỹ đất, sử dụng giống chất lượng cao chịu được giông bão, thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh, phòng trị kịp thời giúp vụ lúa đạt năng suất chất lượng cao.

Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây