Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra”, tham ô là đặc trưng, gắn liền với thực dân, phong kiến. Đấu tranh chống thực dân, phong kiến, xây dựng xã hội mới phải bao hàm cả đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Cách mạng không thể thành công hoàn toàn nếu vẫn còn tham ô, lãng phí. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cách mạng. Công tác chống tham ô, lãng phí rất quan trọng, cần phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên. Cũng như các mặt trận khác, muốn giành thắng lợi trên mặt trận chống tham ô, lãng phí, chúng ta phải nắm được quan điểm chỉ đạo cuộc đấu tranh trên mặt trận đó.
Đấu tranh chống tham ô, lãng phí cần phải bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Cùng với việc xây dựng cơ chế phòng, chống, tấn công tham ô, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, cần xác định và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm. Yếu tố quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí chính là công tác lãnh đạo. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thông qua các chủ trương, chính sách mang tính chỉ đạo, thông qua các cấp ủy đảng quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các biện pháp về tư tưởng như giáo dục, thuyết phục, các biện pháp phòng ngừa là nền tảng trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh việc nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí. Việc xử lý nghiêm khắc hành vi tham ô, lãng phí phải đúng các quy định của pháp luật, không được nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng là nền tảng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt của người đứng đầu Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với ba luận điểm:
Một là, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, khái quát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư từ năm 2013 đến nay; kết luận của Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Mỗi phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư đã trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với “giặc nội xâm”.
Hai là, nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - cái cơ bản cần phải phòng ngừa. Xuyên suốt tác phẩm cho thấy sự trăn trở, quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của Nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư nhất quán quan điểm: “Một trong những bài học lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là phải giữ vững và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Đảng phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn, chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái, hư hỏng trong Đảng.
Ba là, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, thể hiện những ý kiến, đánh giá sự tin tưởng sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của đại biểu Quốc hội và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự đồng thuận, ủng hộ đó là sức mạnh to lớn trong cuộc chiến “không khoan nhượng”, không được phép“chùn chân”, “mỏi gối”, chỉ có tiến không có lùi, không thể đảo ngược như Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở.
Từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng khẳng định là cuộc chiến “không khoan nhượng”. Và như vậy, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa sáng tạo, vừa thiết thực, hiệu quả, nâng tầm cả nhận thức lý luận và thực tiễn cho cán bộ, đảng viên trong cuộc chiến cam go chống “giặc nội xâm”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy