Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay

Thứ hai - 20/05/2024 03:04
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP, ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57- KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, trong đó nêu các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị.

Một là, Nghiên cứu, quán triệt nội dung của Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân. Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và cách làm ở tất cả các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại. Xác định thông tin đối ngoại là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo đồng thuận và nguồn lực để phát triển đất nước, huy động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia công tác thông tin đối ngoại. Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, người dân, nhất là thế hệ trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước.

Hai là, Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý nói chung; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin đối ngoại, các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đáp ứng nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới. Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch về thông tin đối ngoại; chú trọng phát triển hệ thống báo chí, xuất bản đối ngoại có tầm ảnh hưởng, uy tín trên thế giới; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới Văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống Trung tâm văn hóa thông tin ở nước ngoài; hệ thống cụm thông tin điện tử đối ngoại tại các cửa khẩu biên giới, các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cửa khẩu đường hàng hải và cửa khẩu đường hàng không…

Ba là, Xây dựng Chiến lược, Đề án, Chương trình, Kế hoạch thông tin đối ngoại để củng cố, tăng cường quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước, nhất là các địa bàn trọng điểm, chiến lược, địa bàn mục tiêu; cải thiện và thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên một số lĩnh vực: hình ảnh, thương hiệu quốc gia; các đánh giá xếp hạng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tự do báo chí, tự do ngôn luận và các chỉ số phát triển đất nước; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong đó phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số nhằm mục tiêu phát triển đất nước.

Bốn là, Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, danh mục sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại để thúc đẩy hiệu quả của thông tin đối ngoại. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp tham gia hoạt động thông tin đối ngoại, phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy hiệu quả thông tin đối ngoại, nhất là đối với các hoạt động xây dựng, truyền thông quảng bá thương hiệu, hình ảnh đất nước, địa phương ra nước ngoài.

Năm là, Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trên cơ sở phân vai, phân nhiệm rõ, tránh chồng chéo, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đảm bảo triển khai công tác và hoạt động thông tin đối ngoại một cách tổng thể, nhất quán và hiệu quả. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là trước các sự việc nhạy cảm, phức tạp, mới nảy sinh. Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại, kịp thời tích hợp thông tin từ các hệ thống dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Sáu là, Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động thông tin đối ngoại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chương trình hành động, chiến lược, quy hoạch; chương trình; đề án thông tin đối ngoại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin đối ngoại để có các chế tài xử phạt nghiêm minh, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo đúng chuẩn mực quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không ảnh hưởng đến hình ảnh, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước.

Thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác thi đua khen thưởng để khuyến khích, nhân rộng các cách làm hay, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã có đóng góp quan trọng đối với công tác cộng đồng, công tác quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đổi mới công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch theo hướng tăng cường thông tin tích cực; nghiên cứu xây dựng cơ chế đối thoại, vận động các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để góp phần cải thiện thứ hạng Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế xử lý tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến hình ảnh, quan hệ đối ngoại, lợi ích quốc gia, dân tộc…

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây