Công tác tuyên giáo
Nhiều người thường viện dẫn cách lý giải rằng, “tuyên giáo” là viết tắt của tuyên truyền và giáo dục. Tuy nhiên, nội hàm của từ này không đơn giản như vậy, nó không được sử dụng độc lập trong ngôn ngữ thông thường và chỉ có nghĩa khi nằm trong cụm từ “ban tuyên giáo”, “công tác tuyên giáo”, “cán bộ tuyên giáo”. Thực chất, công tác tuyên giáo là tên gọi một nhóm lĩnh vực trong công tác lãnh đạo của Đảng, bắt nguồn và gắn chặt với sự ra đời, phát triển của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Khi Đảng mới ra đời, các tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác tư tưởng (Bộ Tuyên truyền, Ban Tuyên truyền, Ban Tuyên truyền cổ động, Ban Tuyên huấn...). Sau năm 1954, cơ quan này tham mưu thêm các lĩnh vực: văn hóa - văn nghệ, giáo dục, khoa học. Đến nay, nói tới thuật ngữ “tuyên giáo” là bao hàm các lĩnh vực: tư tưởng, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục, thể thao, dân số, gia đình, trẻ em. Như vậy, tuyên giáo là tên một nhóm lĩnh vực hoặc một ngành công tác của Đảng, mang tính thực tiễn, ra đời gắn liền với việc tổ chức sắp xếp các ban tham mưu của Đảng, nó có thể thay đổi khi bộ máy lãnh đạo của Đảng thay đổi.
Công tác tuyên giáo là hoạt động lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực khác nhau là tư tưởng, văn hóa và khoa giáo. Nội dung lãnh đạo bao gồm: ban hành nghị quyết, chỉ thị; quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực đó. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo có thể được giao thêm các nhiệm vụ khác tùy thuộc vào tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và ý chí của Đảng cũng như cấp ủy các cấp.
Công tác tuyên giáo và Ban Tuyên giáo là hai thuật ngữ khác nhau. Công tác tuyên giáo là hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy thực hiện sự lãnh đạo nói trên.
Công tác tư tưởng
Công tác tư tưởng là phương thức lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng. Bất cứ một đảng chính trị nào cũng phải có hệ tư tưởng dẫn đường, do đó, Đảng phải tiến hành nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm hình thành, bổ sung, phát triển hệ tư tưởng của mình và căn cứ vào đó để đề ra đường lối, chính sách. Hoạt động đó gọi là công tác lý luận. Sau khi đã có hệ tư tưởng và đường lối, chính sách, Đảng phải tuyên truyền, vận động, giáo dục để mở rộng quy mô tổ chức và tập hợp quần chúng theo Đảng làm cách mạng. Hoạt động đó gọi là công tác tuyên truyền. Khi quần chúng đã có niềm tin, ý chí sẵn sàng theo Đảng làm cách mạng, Đảng phải tiến hành cổ vũ, động viên họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, biến niềm tin thành hành động cách mạng trên thực tiễn. Hoạt động đó gọi là công tác cổ động. Theo V.I.Lênin, công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động là ba hình thái (bộ phận) của công tác tư tưởng.
Nếu xét về nhiệm vụ, khái niệm, công tác tuyên giáo rộng hơn, bởi công tác tư tưởng chỉ là một trong ba lĩnh vực của công tác tuyên giáo.
Nếu xét về chủ thể và quy mô tác động, công tác tư tưởng lại rộng hơn. Công tác tuyên giáo là của cấp ủy Đảng, mà lực lượng nòng cốt là Ban Tuyên giáo, cán bộ tuyên giáo. Công tác tư tưởng không chỉ của cấp ủy, của Ban Tuyên giáo mà còn là nhiệm vụ của tất cả cán bộ, đảng viên, các đoàn thể và chính quyền các cấp. Công tác tuyên giáo là hoạt động lãnh đạo của Đảng trong ba lĩnh vực: tư tưởng, văn hóa và khoa giáo, trong khi đó, công tác tư tưởng là một phương thức lãnh đạo của Đảng và diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội kể cả văn hóa và khoa giáo. Vì vậy, khi tiến hành công tác văn hóa và khoa giáo đương nhiên phải sử dụng công tác tư tưởng, từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng nghị quyết, chỉ thị về văn hóa và khoa giáo; tuyên truyền, giáo dục chính trị; kiểm tra, giám sát cho đến sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực đó.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh
Nguồn tin: Tổng hợp