Vậy, liêm chính nên được hiểu như thế nào và vì sao cần thiết phải giáo dục liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Thực chất, vấn đề giáo dục đạo đức liêm chính trong cán bộ đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra. Người lý giải rất minh bạch rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam” và “chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm”, bởi “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm”. Và “do bất Liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất Liêm tức là trộm cắp”. Qua đó Người yêu cầu: “Cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Đồng thời, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất Liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Còn “Chính” nghĩa là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. Người nhấn mạnh rằng, “làm việc Chính, là người Thiện” và rằng “siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện”; ngược lại “lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác”. “Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với công việc”. Đối với mình chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ. Đối với người, phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, phải thực hành chữ Bác - Ái. Đối với việc, phải để việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà; việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh...
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức liêm chính, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đặt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt hiện nay. Trong nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được đề ra và triển khai thực hiện, việc xây dựng, hình thành văn hóa liêm chính, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng.
Tuy nhiên, công tác giáo dục liêm chính hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ được lồng ghép chung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nội dung, tài liệu về giáo dục liêm chính chưa được biên soạn bài bản và còn thiếu; phương thức giáo dục liêm chính có mặt còn hạn chế...
Xuất phát từ thực tế đó và nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực “từ sớm, từ xa”, “cả gốc lẫn ngọn” đã đặt ra yêu cầu: “Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giáo dục liêm chính nói riêng.
Đổi mới toàn diện, thực chất nội dung và phương thức giáo dục liêm chính; xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy phục vụ Nhân dân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trước hết và trên hết, cấp ủy, tổ chức đảng phải coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hành liêm chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và thực hành liêm chính...
Khi nhấn mạnh vai trò của liêm chính đối với sự hình thành đạo đức, phẩm giá con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”. Do đó, việc đặt vấn đề tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức. Bởi, giáo dục đạo đức liêm chính không chỉ là một giải pháp “chìa khóa” nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; mà còn là cơ sở, là nền tảng để lan tỏa tinh thần liêm chính, văn hóa liêm chính và cách hành xử, lối ứng xử theo tinh thần, văn hóa liêm chính. Từ đó, góp phần dựng xây nên “Một dân tộc biết Cần, Kiệm, biết Liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”, như lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh
Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương