Học tập lý luận chính trị là quá trình được truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa
Do đó, việc học tập lý luận chính trị là yêu cầu thường xuyên và cấp thiết, nó không chỉ góp phần giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi cán bộ, đảng viên thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, do chưa đánh giá đúng hết vai trò và ý nghĩa của học tập lý luận chính trị nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực hơn nữa Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cần thiết phải thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đảm bảo sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phục vụ cho việc định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Hai là, chú trọng thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” với thực hiện các quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hỏa", Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng; định hướng thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, giảng viên; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ra sức học tập lý luận chính trị để trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có cơ sở lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị trước mọi cám dỗ về vật chất, cũng như tinh thần để đập tan những âm mưu của các thế lực thù địch.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh