Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ giảng viên nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn đấu tranh có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; khắc phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm về tư tưởng, lý luận…Hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung, biện pháp khác nhau, trong đó giảng viên lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng.
1. Nhận diện sự xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị sử dụng mọi hình thức, biện pháp khác nhau để trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm lãnh đạo của đảng cộng sản và định hướng xã hội chủ nghĩa; ca ngợi, sùng bái nền dân chủ tư sản, thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản và chủ trương đi theo con đường chủ nghĩa tư bản. Qua nghiên cứu cho thấy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị đang tập trung tấn công, chống phá Đảng ta trên một số nội dung cơ bản sau:
Một là, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận và đòi xoá bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuyên tạc bản chất và kích động, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng đối lập; xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở việt Nam; thổi phồng học thuyết tam quyền phân lập và xã hội dân sự.
Hai là, bịa đặt, bôi đen, vu khống về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về bí mật đời tư, bí mật cá nhân của các đồng chí lãnh đạo cấp cao,… Từ đó, cắt xén và bình luận ác ý để tác động đến suy nghĩ, niềm tin của người đọc, gieo rắc hoài nghi về phẩm chất đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ba là, bôi nhọ và phủ nhận những vấn đề thuộc về chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế văn hoá, xã hội, nhất là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; xuyên tạc, đả kích và phủ nhận sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước, đòi tư hữu hoá các tư liệu sản xuất chủ yếu của nền kinh tế - xã hội.
Bốn là, lợi dụng khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại nhằm phá hoại và chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, để bôi đen, bẻ cong sự thật về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, … nhằm gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin trong nhân dân, kích động và chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa đang xây dựng ở Việt Nam.
2. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay
Trước sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Một là, giảng viên phải có kỹ năng lồng ghép có hiệu quả nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào các chuyên đề giảng dạy, thảo luận do mình phụ trách.
Cần xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là thế mạnh của giảng viên lý luận chính trị. Giảng viên lý luận chính trị là những chiến sĩ tiên phong trong công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đảng ta khẳng định: “Đấu tranh tư tưởng, lý luận phải nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”(2). Thông qua giảng dạy, giảng viên phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các bài giảng ở tất cả các lớp, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc phân tích, giảng giải lấy ví dụ để học viên hiểu đúng, nắm rõ những kiến thức bài học, giảng viên còn phải phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị bền vững về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng qua các chuyên đề lý luận. Đồng thời phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại, trao đổi, thảo luận để học viên được nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng kịp thời tư tưởng cho học viên. Muốn làm được điều này đòi hỏi giảng viên phải là người am hiểu lý luận, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa có kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Do đó, cùng với việc không ngừng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy. Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý và phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, góp phần vào việc bảo vệ, phát triển nền tảng, tư tưởng của Đảng.
Hai là, giảng viên phải chủ động, tăng cường tham gia đấu tranh, chống lại các luận điệu sai trái, tư tưởng phản động của các thế lực thù địch thông qua những bài viết trên các tạp chí, hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên đề.
Cùng với việc tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến và làm sáng tỏ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giảng viên cần tỉnh táo nhận diện và phản ứng nhanh những thông tin, ý kiến sai lệch trong xã hội, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tích cực tham gia nghiên cứu, viết bài, tham gia các diễn đàn đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mỗi bài viết giảng viên cần có nội dung đấu tranh cụ thể, dùng đủ lý luận, luận cứ và biết sử dụng bút pháp đấu tranh để “đánh đúng” và “đánh trúng” vấn đề, để phản bác, phê phán một cách có hiệu quả. Đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Giảng viên phải có kỹ năng phân tích, phê phán những nhận thức mơ hồ, không đúng đắn, vạch rõ bản chất phản động của kẻ thù, ngăn ngừa, loại bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực, sự dao động, hoài nghi về tư tưởng, lý luận xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi giảng viên phải tích cực nghiên cứu khoa học, luôn có sự tìm tòi, học hỏi, để phát hiện những vấn đề mới từ thực tiễn, bổ sung, phát triển, lý luận, sắc bén và tư duy khoa học, đặc biệt là nhạy cảm về chính trị và có dũng khí để tham gia vào đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Ba là, phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người giảng viên lý luận chính trị.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta với những luận điệu sai trái, tinh vi và xảo quyệt nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dao động, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi tiền tài, địa vị, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm… Trước thực tế đó, là người tham gia vào công tác truyền bá nền tư tưởng của Đảng, đòi hỏi giảng viên phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không dao động trước khó khăn, thách thức, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt phát huy truyền thống vẻ vang và làm giàu thêm bản sắc văn hoá trường Đảng: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”(3). Người giảng viên phải không ngừng rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, của mình để xứng đáng là người thầy mẫu mực. Bởi vì nếu người giảng viên không có đạo đức cách mạng thì không thể tạo được uy tín trước học viên và những lời giáo huấn của thầy trở nên không có sức thuyết phục đối với họ bởi lẽ thầy giáo phải là người “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Cho nên, giảng viên phải là “tấm gương sáng cho học viên noi theo”, cần phải nghiêm túc khắc phục hiện tượng giảng hay nhưng làm thì ngược lại, điều đó sẽ tạo ra sự thiếu tin tưởng cho người học. Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải là những người có tinh thần kỷ luật cao, trách nhiệm với mỗi bài giảng, mỗi lời nói của chính mình, mỗi thông điệp mà bài giảng của giảng viên đưa ra đều liên quan đến sự tồn vong của chế độ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Do đó tinh thần kỷ luật phát ngôn, kỷ luật lên lớp, ý thức trách nhiệm trong giảng dạy luôn phải được thực hiện nghiêm túc.
Tóm lại, để phát huy vai trò của người giảng viên lý luận chính trị trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi giảng viên phải xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ, thái độ trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không hoang mang dao động trước mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; kết hợp giữa bồi dưỡng nâng cao nhận thức với rèn luyện bản lĩnh, ý chí đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái thù địch; thường xuyên làm tốt việc bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận và khuyến khích giảng viên lý luận chính trị vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức đấu tranh tư tưởng, lý luận; nắm những quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, phải xem đây là trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị./.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 2, tr. 168.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 09/10/2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, 2014.
3. Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy định về ứng xử văn hoá của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu