Khi đất nước còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú ý đến phụ nữ. Bởi phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những “người cùng khổ”. Họ không những phải chịu đựng những nỗi đau của một người dân mất nước, bị tước đoạt hết quyền tự do, dân chủ mà còn bị ngược đãi, chà đạp lên cả phẩm giá con người. Người căm ghét bọn thống trị đã “đối xử một cách hết sức bỉ ổi với phụ nữ, xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ”(2). Trong bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất của thực dân Pháp - đó là chế độ “ăn cướp và giết người”, “hãm hiếp đàn bà và trẻ nhỏ”. Có thể nói, ở Bác có sự đồng cảm, từng chữ viết như là một sự tố cáo đanh thép về tội ác mà bọn thực dân Pháp đã gây ra cho phụ nữ.
Mặc dù bị áp bức dưới nhiều hình thức và luôn là nạn nhân trong xã hội ngày trước, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người phụ nữ với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Người đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”. Vì vậy, Người luôn tự hào: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”(3). Nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ (08/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối thư, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(4).
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ giữa thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”(5).
Người đã thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi chống giặc. Ruộng nương, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ… đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của các chị, các mẹ, “do đó nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Hơn bao giờ hết, Bác Hồ của chúng ta luôn mang trong lòng mong muốn giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”. Người xác định: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”(6). Với sự thôi thúc đó, đã tạo nên động lực giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng toàn Đảng và toàn dân ta lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm thực hiện “nam nữ bình quyền”. Ngay trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào Mồng 06 tháng 01 năm 1946, Người vui sướng khi nhận ra rằng “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Đó là một sự khởi đầu mới, khởi đầu cho ước muốn bình đẳng giới, không còn sự phân biệt đối xử khác nhau, “người với người sống để yêu nhau”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Người nhận thấy rằng phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo từ Trung ương, nhiều người rất giỏi, ưu điểm của cán bộ nữ là “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người đã thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ, nên Người yêu cầu phải kịp thời sửa chữa.
Bên cạnh đó, khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên động viên, nhắc nhở chị em phải cố gắng vươn lên để “tự giải phóng mình” chứ không được trông chờ vào đảng và Chính phủ. Một lần, tới một hội nghị, thấy phụ nữ ngồi hết ở dãy ghế cuối, Bác nói: Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải đợi Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải chủ động, quyết tâm khắc phục khó khăn, tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ti. Phải gắng học tập chính trị, học tập văn hoá kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” để xứng đáng là người làm chủ nước nhà.
Khắc sâu lời dạy của Người, ngày nay “một nửa thế giới” đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội. Họ không chỉ làm tốt thiên chức “làm vợ-làm mẹ” mà còn hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội. Thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phụ nữ Việt Nam đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực công tác của đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chính trị gia, nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và doanh nhân thành đạt là nữ. Trong hơn 25 năm qua, phụ nữ liên tục giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch và trưởng phó các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở…
Để không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua định kiến giới, vượt lên chính mình “để tự giải phóng cho mình”. Đồng thời không ngừng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ trong gia đình để trở thành người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mong rằng, trong tương lai, phụ nữ sẽ luôn tỏ sáng như đại danh hào Victor Hugo đã khẳng định “ Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn phụ nữ”.
Chú thích:
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 30.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 96.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 255.
4. Sđd, t.11, tr. 621.
5. Sđd, t.6, tr. 432.
6. Sđd, t.6, tr. 105.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu