Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài của giảng viên trung tâm chính trị

Thứ ba - 19/04/2022 11:38
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để mỗi con người Việt Nam học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình thông qua từng hành động, việc làm cụ thể. Người không quan niệm mình là tấm gương cho các thế hệ mai sau học tập nhưng Người luôn phấn đấu rèn luyện để bản thân mình khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, phát huy những mặt tốt, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả hạnh phúc cả nhân vì hạnh phúc và lợi ích chung cho dân tộc. Ở Hồ Chí Minh những tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người làm cho mỗi chúng ta, đặc biệt là giảng viên Trung tâm chính trị phải quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Bác Hồ nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN, tháng 12-1958
Bác Hồ nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN, tháng 12-1958

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đối với một cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói chung và giảng viên Trung tâm chính trị nói riêng. Bởi lẽ, giảng viên Trung tâm chính trị phải là người gương mẫu, chuẩn mực từ tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách để làm gương cho học viên trong hoạt động giáo dục. Đối tượng của giảng viên Trung tâm chính trị là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cơ sở. Đây là những người tham gia quản lý xã hội, lãnh đạo nhân dân địa phương phát triển toàn diện nên cần được giáo dục chuẩn từ tư tưởng đến đạo đức và phong cách theo gương Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm thông qua từng chương trình học.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân. Điều này được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định và được cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thông qua việc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức. Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong Văn kiện Đại hội Đảng. Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm,… với mục tiêu tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tạo chuyển biến ở 3 nội dung là đổi mới việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới và thể hiện đột phá trong việc làm theo; việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt các cấp với phương châm “chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng phải thực hiện nêu gương”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(1). “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(2).

Với vai trò là người làm công tác giáo dục, tuyên truyền về lý luận, chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi cán bộ giảng viên Trung tâm chính trị cần hiểu sâu sắc và thực hiện đúng, nghiêm túc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, giảng viên cần học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Giữ vững nền tảng tư tưởng trên giúp giảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và định hướng giáo dục có hiệu quả cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ sở không rơi vào biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; đào tạo ra những người cán bộ đủ bản lĩnh chính trị vượt qua những khó khăn, cám dỗ trước mắt vì mục tiêu chung và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Ngày nay các thế lực thù địch luôn tìm cách mua chuộc những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của ta hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng. Mặt khác, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tìm cách liên kết với nhau để thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, “Bạo loạn lật đổ” và chống phá nước ta trên mọi lĩnh vực. Do vậy bản thân người giảng viên Trung tâm chính trị phải nhận thức sâu sắc những hành động sai trái của kẻ thù để có những biện pháp giáo dục học viên nắm vững những thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp của các thế lực thù địch, từ đó quản lý xã hội có hiệu quả cao hơn, không rơi vào cạm bẫy của kẻ thù.

Thứ hai, giảng viên Trung tâm chính trị học tập đạo đức Hồ Chí Minh về trung với nước, hiếu với dân; về lòng nhân nghĩa yêu thương con người; về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về lòng yêu thương nhân loại và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng; về những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức thông qua việc nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Mỗi giảng viên phải tự tôi luyện, tự soi, tự sửa mình để trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để học viên noi theo. Giảng viên luôn giữ tâm trong sáng, tận tụy với nghề; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan; nghiêm túc trong giảng dạy; gần gũi hòa đồng với học viên và đồng nghiệp, quần chúng; luôn giúp đỡ học viên vượt khó học tốt; không hạch sách, nhũng nhiễu, làm khó học viên; tạo cho học viên một tâm lý thoải mái khi đến Trung tâm chính trị học tập nhưng cũng nghiêm túc, nguyên tắc, không xuề xòa trong việc thực hiện quy chế, nội quy và học tập; giáo dục và định hướng để học viên tránh rơi vào suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Thứ ba, giảng viên Trung tâm chính trị phải học tập theo phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh.

Mỗi giảng viên Trung tâm chính trị phải rèn luyện cho mình phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hoà, uyển chuyển, có lý, có tình. Bản thân mỗi giảng viên phải không ngừng học tập tiếp thu tri thức mới có chọn lọc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào bài giảng; xử lý tình huống vi phạm của học viên dựa trên nguyên tắc, quy chế cũng như linh hoạt, mềm dẻo không cứng nhắc. Mặt khác mỗi giảng viên phải tạo cho mình phong cách làm việc khoa học; có kế hoạch; làm việc đúng giờ; luôn đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện, không chấp nhận lối cũ, đường mòn tránh rập khuôn, máy móc; mạnh dạn tiếp cận và làm theo cái mới tích cực, hiện đại. Chú trọng chất lượng công việc được giao.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, giảng viên cần rèn cho mình phong cách lãnh đạo tốt, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của cấp dưới và những người không liên quan đến công việc để có những nhận định khách quan, không phiến diện chủ quan, siêu hình; tổ chức tốt việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát việc mình, việc đã phân công cho cấp dưới hay học viên thực hiện, thực hiện tốt việc nêu gương.

Đồng thời rèn luyện cho mình phong cách diễn đạt tốt. Là giảng viên Trung tâm chính trị phải có cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết tực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao; gần gũi với cách nghĩ của học viên, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Cách diễn đạt luôn biến hoá, nhất quán mà đa dạng. Trong ứng xử giảng viên luôn khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, vui vẻ, hoà nhã, xóa dần mọi khoảng cách. Trong sinh hoạt và cuộc sống, giảng viên giữ cho mình lối sống cần, kiệm, liêm chính; thực hiện hài hoà văn hoá Đông – Tây sao cho phù hợp với bản sắc văn hoá Việt Nam; tôn trọng, tuân thủ quy luật tự nhiên và gắn bó với thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường sinh thái;…

Tóm lại, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải ngày một, ngày hai mà là quá trình rèn luyện lâu dài, phức tạp, phải trải qua quá trình tự đấu tranh, rèn luyện, tự học tập bền bỉ mới thành. Nó được thể hiện thông qua những việc làm, hành động cụ thể hằng ngày. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà nó giống như công việc mài ngọc luyện vàng, phải đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”(3). Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, hôm nay là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(4). Và Người khẳng định: Đã là người ai cũng có chỗ hay, chỗ dỡ, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có chỗ thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xâu, cái ác để khắc phục. Chính vì thế, mỗi cán bộ, giảng viên Trung tâm chính trị tu dưỡng tư tưởng, đạo đức, phong cách của mình theo tư tưởng Hồ chí Minh là việc làm thường xuyên, liên tục thể hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ của mình, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng. Đây là quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện suốt đời của mỗi cá nhân./.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.180.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.236.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr 612.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 15, tr 672.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây