Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về công tác giáo dục lý luận chính trị, Trung tâm Chính trị huyện Gò Công Tây phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, phòng chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện và hội quần chúng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và trình Thường trực Huyện uỷ phê duyệt. Theo đó, Trung tâm Chính trị huyện phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cơ bản (3 chương trình); các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ đoàn thể (6 chuyên đề); bồi dưỡng chuyên đề (6 chuyên đề); các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ (5 chương trình) và một số chương trình khác theo yêu cầu của cấp ủy địa phương.
Việc tham mưu và phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên. Với cơ cấu Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ kiêm nhiệm, việc tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. Những nội dung nào chưa thống nhất, đồng chí Giám đốc trực tiếp trao đổi với các đơn vị phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện.
Trung tâm Chính trị huyện luôn chủ động trong phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cùng với các đơn vị liên quan ban hành quy trình công tác phối hợp mở lớp, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Trung tâm Chính trị huyện tham mưu đưa nội dung công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm trong cụm khối cấp huyện; giữa các cụm theo ngành dọc, như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giữa Trung tâm Chính trị huyện và các đơn vị liên quan còn những hạn chế: Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ở một số đơn vị chưa có sự thống nhất cao. Nội dung tập huấn chưa có nhiều đổi mới, dẫn đến sự nhàm chán của học viên. Thời gian mở lớp đôi lúc chưa phù hợp. Số lượng học viên tham gia chưa đầy đủ theo kế hoạch. Nghiệp vụ thực hiện công tác giảng dạy một số đơn vị chưa đảm bảo. Công tác trao đổi thông tin giữa Trung tâm Chính trị huyện với cấp uỷ cấp xã; giữa đội ngũ giảng viên Trung tâm Chính trị huyện và báo cáo viên chưa thường xuyên.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giữa Trung tâm Chính trị huyện và các đơn vị liên quan, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt quy trình công tác phối hợp mở lớp; định kỳ sơ kết, đánh giá, rà soát, điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế. Trong quá trình thực hiện, cần linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức lớp, vừa đảm bảo khung thời gian, vừa đảm bảo tính đặc thù của từng đối tượng học viên.
Thứ hai, đối với nội dung các lớp bồi dưỡng, nhất là các đoàn thể (5 bài) theo Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 09/10/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Chương trình chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cần linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Trong đó, 1 đồng chí chức danh ấp kiêm nhiệm người tham gia công việc trực tiếp thì tham gia bồi dưỡng ít nhất 2 lần/năm (tham gia 2 lớp, chưa tính chương trình bồi dưỡng khác); thống nhất các đơn vị phối hợp lồng ghép chuyên đề bồi dưỡng (6 chuyên đề) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của đất nước.
Thứ ba, các báo cáo viên, giảng viên cần thực hiện đầy đủ quy trình của giảng viên (soạn giáo án, lên lớp…); phối hợp tổ chức hướng dẫn một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trên cơ sở khung lý luận nghiệp vụ chuyên môn, đơn vị phối hợp cần sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức bồi dưỡng phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của đơn vị.
Thứ tư, tăng cường với các đơn vị phối hợp mở lớp và các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp huyện, tổ chức khảo sát, đánh giá kết quả việc vận dụng những kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm để làm cơ sở xây dựng những giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị trong giai đoạn hiện nay là một trong những biện pháp quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Chính trị, cũng là giải pháp góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu - PGĐ Trung tâm Chính trị huyện.