Chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân, là nơi trực tiếp phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, kết nạp, quản lý, phân công, kiểm tra công tác và sàng lọc đảng viên. Các hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng chủ yếu diễn ra ở chi bộ, chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng phụ thuộc vào hoạt động của chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”. Chi bộ là một thực thể, một tổ chức gồm những đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, được giáo dục và đào tạo, phấn đấu cho lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, để cho chi bộ thật sự vững mạnh, trong sạch cần chú trọng xây dựng tổ chức và giáo dục, rèn luyện đảng viên theo những nguyên tắc, yêu cầu và chuẩn mực nghiêm ngặt của Đảng, Bác Hồ đã từng chỉ ra rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Từ đó khẳng định rõ việc tổ chức sinh hoạt chi bộ có vai trò và tác dụng rất quan trọng, đảm bảo cho chi bộ và mỗi đảng viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề thường xuyên, là việc làm không thể thiếu. Chi bộ trong sạch, vững mạnh là chi bộ duy trì đều đặn sinh hoạt đúng định kỳ, có nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, có hình thức sinh hoạt đa dạng. Sinh hoạt chi bộ có chất lượng tốt, mỗi đảng viên cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thì tính Đảng được phát huy, sức chiến đấu của Đảng được tăng cường, sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét.
Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Tây đã đề ra nhiều giải pháp trong đó cần phải chú trọng những vấn đề cơ bản và cấp thiết hiện nay là đề cao lý tưởng, mục tiêu cách mạng, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng. Không ngừng bổ sung, phát triển, đảm bảo tính khoa học, hiện thực của Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ. Chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với toàn thể cán bộ, đảng viên. Giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong chi bộ, kiên quyết chống những biểu hiện cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm.
Trên tinh thần đó, để nâng cao chất lượng sinh hoạt, trước hết chi bộ phải thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp thông tin mới, nêu cao tinh thần ý thức tự phê bình và phê bình, nắm diễn biến tư tưởng của đảng viên, để giúp đỡ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về chính trị, chi bộ phải trở thành trường học giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin , tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chi bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao và thực hiện những quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng ...
Có thể khẳng định, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức là nhiệm vụ to lớn mà Đảng ta đã xác định cho tất cả các tổ chức của Đảng và đảng viên. Vì thế, cần phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ, để mọi đảng viên hiểu rõ, tự giác thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên đối với hoạt động của chi bộ.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giúp cho mỗi đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Để đạt được điều đó, phải đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.
Tác giả bài viết: Kim Lan