Sáng 7/10, lực lượng Hamas mở đầu cuộc tấn công được đánh giá là lớn nhất, nghiêm trọng trong 50 năm qua vào lãnh thổ Israel. Các cuộc tấn công của Hamas đã khiến ít nhất 300 người Israel thiệt mạng, 1600 người bị thương, 100 người bị bắt làm con tin. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thời khắc bị tẩn công là “ngày đen tối” và tuyên bố tình trạng chiến tranh; cảnh báo về một cuộc “trả thù mạnh mẽ” qua “cuộc xung đột khó khăn, kéo dài” và kêu gọi người Palestine ở Dải Gaza “rời đi ngay lập tức”.
Ngay sau đó, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố thực hiện “Chiến dịch Thanh kiếm sắt” đối với phong trào Hồi giáo Hamas và đáp trả quyết liệt bằng các cuộc không kích vào mục tiêu của Hamas tại dải Gaza. Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, thành lập chính phủ đoàn kết thời chiến, đóng cửa tất cả các trường học tại Israel, thực hiện tổng động viên.
Ngày 9/10, Israel ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza đồng thời đẩy mạnh các cuộc không kích.
Ngày 14/10, Israel ra thông báo đang chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lực vào Dải Gaza, kết hợp không quân, hải quân và bộ binh.
Ngày 17/10, Bệnh viện Al-Ahli Al-Arabi ở trung tâm Gaza bị trúng tên lửa khiến khoảng hơn 500 người thiệt mạng, đa số là người tị nạn Palestine, bao gồm cả những người tị nạn từ phía Bắc Dải Gaza. Cả Palestine và Israel đều cáo buộc lẫn nhau đã gây ra thảm kịch trên.
Đêm 25, sáng 26/10, Israel thực hiện một cuộc tấn công mặt đất kéo đài hàng giờ vào Gaza. Chuẩn Đô đốc Israel Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội, cho biết cuộc tấn công là “một phần trong quá trình chuẩn bị của chúng tôi cho các giai đoạn tiếp theo của xung đột”.
Ngày 28/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nêu rõ: “Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới của xung đột.”, Cùng ngày, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định: “Đây là giai đoạn thứ hai của xung đột, với mục tiêu rõ ràng: tiêu diệt năng lực quân sự và lãnh đạo của Hamas, đồng thời đưa các con tin về nhà”, đồng thời khẳng định sẽ mở rộng chiến dịch trên bộ.
Ngày 30/10, theo thông cáo từ văn phòng Thủ tướng Israel, cuộc xung đột bước sang giai đoạn thứ ba, quân đội Israel mở rộng tấn công trên bộ mạnh mẽ vào Dải Gaza. Sau gần 1 tháng diễn ra, cuộc xung đột gây thiệt hại lớn cả về người và của cho cả hai bên.
- Cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel là sự leo thang ở mức độ cao nhất trong 50 năm qua, nhưng nó là cũng là một phần trong hàng loạt các cuộc xung đột, chiến tranh giữa người Ả- rập và người Do Thái kể từ Ngày Độc lập Nhà nước Israel ngày 15/4/1948. Đằng sau những cuộc xung đột dai dẳng này là những mâu thuẫn khó hóa giải về mặt lợi ích, tôn giáo, sắc tộc; là nhu cầu về một không gian sinh tồn và phát triển của người Ả- rập trên vùng đất của mình đã không được đảm bảo; sự thất bại của các biện pháp hòa giải, chấm dứt xung đột với những nỗ lực thiếu hiệu quả của Liên hợp quốc (LHQ), điển hình là Hiệp ước Oslo được ký kết năm 1993 giữa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Chính phủ Israel đã không được thực hiện nghiêm túc.
- Sự khác biệt trong quan điểm của Israel và Palestine trong giải quyết xung đột. Về phía Palestine, trong khi Nhà nước Palestine đại diện cho nhân dân Palestine, được cộng đồng quốc tế công nhận mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện với Israel mà theo đó, Đông Jerusalem là thủ đô dựa trên đường biên giới trước năm 1967; người tị nạn Palestine được phép trở về sinh sống tại Nhà nước Palestine; Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng và trao trả tù binh Palestine. Trong khi đó với lợi thế tương quan sức mạnh vượt trội trên thực địa, chính quyền Israel muốn duy trì hiện trạng, liên tục từ chối giải pháp hai nhà nước với đường biên giới trước năm 1967, tiếp tục kiểm soát và khai thác các khu vực còn tranh chấp.
Tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Liên hợp quốc lần thứ 10 diễn ra ngày 26-27/10, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Đại hội đồng LHQ cũng đã thông qua được một nghị quyết, không có tính ràng buộc, kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza, hướng tới chấm dứt thù địch giữa Israel và lực lượng Hamas. Nghị quyết “Bảo vệ thường dân và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và nhân đạo” được thông qua với 120 phiếu thuận, 59 phiếu chống và trắng, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, kiềm chế tối đa, yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự; bảo đảm tiếp cận nhân đạo; kêu gọi thả ngày dân thường, bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ,
Trong nước, cuộc xung đột thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là trên không gian mạng, chia thành hai luồng ý kiến chủ đạo. Một bộ phận lên án cuộc tấn công của Israel, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Palestine, cho rằng Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Palestine. Luồng ý kiến thứ hai lên án các cuộc tấn công của Hamas là khủng bố, tội ác chiến tranh, ủng hộ Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Dải Gaza; đánh đồng Hamas là lực lượng đại diện cho cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine, phản đối đấu tranh bạo lực, coi Palestine là bên chịu trách nhiệm về leo thang xung đột, hành động của Israel mang tính tự vệ chính đáng.
Ngày 8/10, trả lời câu hỏi phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã phát biểu: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ, bảo đảm an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân”.
Ngày 18/10, trả lời câu hỏi phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã có phát biểu nêu rõ quan điểm cập nhật của Việt Nam: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng Luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.”
Xung đột giữa Israel - Hamas không có tác động trực tiếp nhiều đến Việt Nam. Tuy nhiên, có một số tác động gián tiếp có thể ảnh hưởng đến Việt Nam như:
Về chính trị - đối ngoại, xung đột leo thang tạo ra nhiều khó khăn cho ta trong xử lý quan hệ với Israel và Palestine trong bối cảnh cả hai bên đều gia tăng tiếp xúc, vận động ta thể hiện lập trường theo hướng thuận lợi. Các hoạt động trao đổi đoàn kỷ niệm quan hệ ngoại giao với Israel và một số nước Hồi giáo bị ảnh hưởng. Trong quan hệ đối ngoại, ta cần phải xử lý đảm bảo hài hòa, cân bằng với cả Israel và Palestine và các nước Ả-rập, không để ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, và đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh, an toàn đối với cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Trung Đông nói chung và Israel nói riêng.
Về quốc phòng - an ninh, các thế lực thù địch lợi dụng cuộc xung đột, những vấn đề về sắc tộc, tôn giáo và đời sống, dân trí của đồng bào ta ở các vùng khó khăn; mượn cớ dân chủ, nhân quyền và một số yếu kém trong quản lý nhà nước tại cơ sở để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc lập trường, quan điểm của ta; khai thác, kích động, thúc đẩy mâu thuẫn đối kháng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; cổ súy cho các phần tử cực đoan, tạo “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận, thúc đẩy các vấn đề có tính lịch sử nhằm kích động đồng bào dân tộc đòi ly khai, tự trị ở các địa bàn chiến lược gây bất ổn tình hình an ninh, chính trị-xã hội.
Ngoài ra tại Việt Nam, cộng đồng người Hồi giáo phần lớn là những người đã định cư, gắn bó lâu đời tại việt Nam, nhóm nhỏ tín đồ Hồi giáo có yếu tố nước ngoài là các cộng đồng Hồi giáo gốc Ấn Độ, Malaysia, Pakistan, Indonesia..., cộng đồng tín đồ Hồi giáo nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cộng đồng này có quan hệ huyết thống, dòng tộc ở chính quốc nên có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng Hồi giáo ở nước ngoài. Cùng với tính quốc tế ngày càng được gia tăng của cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam, sẽ đòi hỏi nhiều hơn nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa các hoạt động kích động, biểu tình cực đoan, chống phá, thậm chí là tấn công vào cộng đồng người Israel tại Việt Nam.
Các hoạt động cộng đồng được chủ trì bởi cơ quan, tổ chức, đơn vị Israel và Palestine tại Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột đặt ra thách thức trong công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội, nhất là khi phải ứng xử với người nước ngoài, trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Về kinh tế, ta chịu nhiều tác động gián tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, giá dầu tăng, bất ổn kinh tế tại Israel và phản ứng chính sách của các bên liên quan. Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định thương mại tự do vào tháng 7/2023, do đó cuộc xung đột trước mắt sẽ hạn chế quá trình triển khai hiệp định và ảnh hưởng đến thương mại song phương hai nước. Tuy nhiên do hoạt động thương mại song phương còn hạn chế nên mức độ ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của việt Nam không đáng kể.
Về dài hạn, nếu cuộc xung đột không lắng xuống và lan rộng thì có thể kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn do liên quan đến thị trường Trung Đông, nhất là các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh - GCC và tác động gián tiếp đến các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế, tiêu dùng toàn cầu. Giá dầu tăng đẩy chi phí vận tải và sản xuất lên cao, gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lạm phát khi có thể khiến giá cả một số mặt hàng tăng lên. Ngoài ra, các lĩnh vực như vận tải, du lịch, lao động cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nếu cuộc xung đột kéo dài.
Cuộc xung đột Israel - Hamas đặt ra một số vấn đề về tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Hiện nay, cuộc xung đột là chủ đề nóng, được truyền thông trong và ngoài nước quan tâm đưa tin, dưới các quan điểm và góc nhìn khác nhau, đồng thời cũng phục vụ cho các mục tiêu, ý đồ của các bên. Trong bối cảnh đó, đã manh nha sự phân hóa về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trong đó bao gồm các nguyên nhân do thiếu thông tin chính thống, không hiểu rõ bản chất vấn đề, bản lĩnh chính trị không vững vàng.
- Thời gian qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel phát triển mạnh; quan hệ hợp tác với Palestine tiếp tục được thúc đẩy, củng cố tin cậy chính trị giữa hai bên. Dự báo tình hình xung đột giữa Israel - Hamas ngày càng tăng dần và sẽ tiếp tục phức tạp, đề nghị cán bộ, đảng viên cần quán triệt, nắm chắc, đồng thời tham gia thông tin, tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế quan điểm của Đảng và Nhà nước ta; phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc xung đột.
- Cần hiểu rõ bản chất của cuộc xung đột, không đánh đồng lực lượng Hamas đại diện cho đất nước Palestine. Lực lượng Hamas không đại diện cho toàn bộ người dân Palestine. Thống nhất tên gọi là “Cuộc xung đột giữa Israel - lực lượng Hamas”. Không bình luận, đăng lại các hình ảnh đẫm máu, đau thương, phản cảm, thông tin, hình ảnh ngược đãi người dân và binh sĩ hai bên.
- Tăng cường nhận thức về vấn đề dân tộc, tôn giáo theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó, cần xác định tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo và những tác động, ảnh hưởng của nguồn lực tôn giáo tới sự nghiệp cách mạng.
- Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Khẳng định tính đúng đắn, nhất quán về lập trường, quan điểm của ta đối với các vấn đề quốc tế nói chung và cuộc xung đột Israel - Hamas nói riêng.
- Trong công tác tuyên truyền, phát ngôn, cung cấp thông tin, chia sẻ quan điểm, cần (i) bám sát lập trường, quan điểm của Việt Nam đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ ngày 18/10: Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu; kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chẩm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tể, nối lại đàm phán, giải qưyêt các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị qưyết liên quan của LHQ nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân; Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
- Khẳng định Việt Nam đề cao Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tính nhân văn, trách nhiệm trong việc tôn trọng, tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, sự cần thiết của đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; nhấn mạnh vai trò của LHQ trong giữ gìn và tái thiết hòa bình khu vực, thế giới.
- Tăng cường tuyên truyền về quan điểm, đường lối chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; vận động đồng bào có đạo đoàn kết xây dựng cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
- Theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình, dư luận quốc tế, dư luận trong nước, dư luận trong cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam để triển khai các công tác tuyên truyền, an ninh tư tưởng phù hợp, tạo đồng thuận trong xã hội.
- Ngăn chặn, đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật về cuộc xung đột, về chính sách đối ngoại của Việt Nam; kích động chống phá Đảng, Nhà nước và các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam. Chủ động ngăn ngừa, không để xảy ra các hoạt động kêu gọi biểu tình, tụ tập đông người biến tướng thành các hoạt động gây rối, chống phá.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thảnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy