Đảng mang lại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” . Người khẳng định mục tiêu phấn đấu của Đảng là: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh”, “Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích chế độ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ rất rõ ràng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương, đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của Nhân dân”. Đối với Chính phủ ta, Người viết: “Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi đảng viên và cán bộ phải “thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và “những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của Nhân dân”. Điều mong muốn cuối cùng của Người được viết trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
94 mùa xuân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã đi lên từ trong “đêm tối nô lệ” trở thành người chủ thực thụ của đất nước và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Thành quả đó càng làm tỏa rạng phẩm chất cách mạng của một chính Đảng vô sản, Đảng không chỉ là “người mở đường” mà còn truyền cảm hứng cho khát vọng vươn lên của toàn dân tộc!
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Hương Cảng, Trung Quốc, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là sự vận dụng sáng tạo của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đảng Cộng sản thành lập cũng đánh dấu mốc đầu tiên trong lịch sử, từ đây dân tộc Việt Nam có một chính Đảng mang bản chất cách mạng và khoa học, đủ sức lãnh đạo Nhân dân giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền dân tộc cơ bản khác để xây dựng và phát triển đất nước.
94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mang về nhiều thành tựu vĩ đại cho dân tộc. Dù con đường đi lên có lúc quanh co, thậm chí phạm khuyết điểm, sai lầm, nhưng với bản lĩnh vững vàng, tinh thần khiêm tốn, cầu thị, Đảng đã nghiêm túc phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ, luôn xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho đất nước tiến lên.
Hơn 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Nhân dân Việt Nam chìm trong đêm tối nô lệ, đói khổ, lầm than. Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay đổi toàn bộ vận mệnh dân tộc, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đây, Nhân dân Việt Nam trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Trong thế kỷ XX, Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược, đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954; đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; các cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biên cương, chủ quyền lãnh thổ sau khi đất nước thống nhất. Đặc biệt, từ năm 1986, Đảng đã lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới, chuyển đổi mô hình quản lý, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thoát ra khỏi diện nước nghèo và nằm trong danh sách các nước đang phát triển; chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo toàn dân giành lại độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%. Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 53,18% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,21%, đóng góp 44,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 2,64%. GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia trên toàn cầu, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 18 đối tác Chiến lược (bao gồm cả 6 đối tác Chiến lược Toàn diện và 12 đối tác Toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Từ sự lãnh đạo đó của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta có thể khiêm tốn nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm ở Việt Nam". Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam”. Từ luận điểm sâu sắc này, chúng ta có thể thấy rằng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa là yếu tố quan trọng để định hình và vừa là ngọn cờ định hướng con đường đi lên của cách mạng nước ta. Trong bài viết này chúng ta có thể làm rõ tầm quan trọng của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”1. Văn kiện Đại hội XI của Đảng một lần nữa đã nhấn mạnh: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”2. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”. Nhất quán với quan điểm được khẳng định trong các Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng trong các quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới đã xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Nhìn lại lịch sử thế giới, chúng ta cảm nhận sâu sắc giá trị, ý nghĩa của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chia sẻ với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế về nỗi đau thương, mất mát đã diễn ra trên thế giới, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ,… nhất là sự sụp đổ của chế độ xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên Xô, Đông Âu – nơi đã giành được độc lập dân tộc nhưng lại vướng vào âm mưu “diễn biến hòa bình” và sai lầm về đường lối chính trị nên nền độc lập ấy đã bị đánh cắp bởi sự chia rẽ dân tộc sâu sắc và sự can thiệp từ bên ngoài, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.
Chúng ta thấy rằng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tiếng gọi của trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; là lương tâm, trách nhiệm và là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Điều đó góp phần khẳng định rõ hơn quan điểm của Đảng ta: Chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mới là hệ giá trị đúng đắn, chính xác và là mục tiêu, lý tưởng cần có, phải giữ vững để nhân dân ta phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tóm lại, 94 mùa xuân với những thành tựu đạt được của đất nước càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Chín mươi bốn năm tầm vóc của Đảng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn xứng đáng là ngọn đuốc dẫn đường cho đất nước tiến lên, lập thêm nhiều kỳ tích mới. Ngày nay, trước những thử thách mới, Đảng vẫn không ngừng tôi luyện để trưởng thành, phát triển, ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu - PGĐ Trung tâm Chính trị huyện.