Trong những năm qua, huyện Gò Công Tây đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tài tử, nghệ nhân địa phương giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương để cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Đây còn là một loại hình văn hóa, nghệ thuật có giá trị được nhân dân yêu thích và tích cực duy trì bảo tồn qua bao thế hệ.
Thực hiện Đề án 3488 của UBND tỉnh Tiền Giang về nâng cao chất lượng hoạt động Nhà văn hóa xã, phường thị trấn. Tại huyện Gò Công Tây, mỗi tháng chương trình văn nghệ đờn ca tài tử được tổ chức 1 đến 2 lần tại các Nhà văn hóa xã và được duy trì xuyên suốt gần 1 năm nay. Riêng tại Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh huyện hàng tháng đều duy trì phối hợp cùng UBND Thị trấn Vĩnh Bình tổ chức chương trình giao lưu đờn ca tài tử “Hương Đất Giồng” tại Sân khấu ngoài trời Khu tập luyện thể thao huyện thu hút đông đảo người xem. Các đơn vị xã thường tổ chức xoay vòng để cớ sự giao lưu, gắn kết tạo sự sôi nổi, sinh động cho chương trình giữa các câu lạc bộ đờn ca tài tử các xã với nhau. Mỗi đêm các tài tử và khán giả thường đăng ký trình diễn khoảng 25 tiết mục đơn ca bài bản tài tử, đơn ca, song ca vọng cổ… xoay quanh các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi tinh thần kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu xây dựng quê hương trong thời kỳ mới, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt có các trích đoạn cải lương rất hấp dẫn đặc sắc được người nghe yêu thích cổ vũ nồng nhiệt…
Có thể nói, tổ chức và vực dậy, duy trì các hoạt động Giao lưu Đờn ca tài tử tại huyện Gò Công Tây là một sân chơi bổ ích để các tài tử và những người mộ điệu gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà qua đó, còn là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy phong trào đờn ca tài tử - cải lương tại địa phương. Thông qua những hoạt động này, góp phần tạo cơ hội cho các thành viên thực hành, học tập, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ nghệ thuật. Đồng thời, qua đây cũng kịp thời phát hiện những giọng ca hay, ngón đàn điêu luyện để bổ sung vào lực lượng nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử - cải lương tại địa phương. Các tài tử nổi bật của huyện thường xuyên gắn bó với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử như Thúy Liễu, Ngọc Nga, Trung Chánh, Ngọc Mơ, Ngọc Mến, nhóm đàn cổ Văn Tân đã trở thành những gương mặt thân quen yêu thích của khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử huyện nhà.
Trong thời gian tới, huyện Gò Công Tây sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy nét truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc ở bộ môn đờn ca tài tử - cải lương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật quần chúng. Đồng thời, tạo điều kiện để các xã duy trì và phát triển Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương, tổ chức nhiều sân chơi bổ ích để Nhân dân, các diễn viên quần chúng giao lưu học hỏi lẫn nhau, từng bước đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Đó cũng là cách để góp phần giúp huyện Gò Công Tây hoàn thành và duy trì thực hiện tốt tiêu chí "Văn hóa - Y tế - Giáo dục", tiến tới mục tiêu về đích "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao" trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Kim Lan