Đoàn lãnh đạo huyện Gò Công Tây tổ chức Lễ dâng hương tại các mộ bộ tướng nghĩa quân Anh hùng dân tộc Trương Định, nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết ( 20/8/1864- 20/8/2024)

Thứ hai - 19/08/2024 19:46
Huyện Gò Công Tây là một huyện ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Lịch sử của huyện gắn liền với vùng đất Gò Công, từ lúc khai khẩn đến đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1979, huyện Gò Công Tây mới chính thức được thành lập theo Quyết định số 155/HĐBT, ngày 13/4/1979 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Huyện Gò Công Tây được tách ra từ huyện Gò Công cùng với huyện Gò Công Đông. Vùng đất huyện Gò Công Tây có lịch sử văn hóa lâu đời với những Di tích quan trọng như Đình Đồng Thạnh, lầu bà Năm Huệ, lầu bà Tám Huê, Chín Đào thuộc ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, Miếu thờ Chưởng cơ Mai Tấn Huệ tại xã Bình Tân và nhiều di tích khác…
Lãnh đạo huyện Gò Công Tây dâng hương và đặt vòng hoa tại Dinh thờ ông Võ Đăng Được.
Lãnh đạo huyện Gò Công Tây dâng hương và đặt vòng hoa tại Dinh thờ ông Võ Đăng Được.

Hiện tại, huyện Gò Công Tây có 01 Di tích cấp quốc gia, 09 Di tích cấp tỉnh. Bên cạnh những Di tích đã được ghi nhận thì ở huyện Gò Công Tây còn có 04 di tích mộ gồm mộ ông: Võ Đăng Được, Trần Văn Thiện, Đặng Khánh Tình và Trương Điền, đây là các nghĩa sĩ của Trương Định đã hoạt động và hy sinh tại vùng đất huyện Gò Công Tây.

Thực hiện Kế hoạch số 38/KH-BTC ngày 29/7/2024 của Ban Tổ chức Các ngày lễ lớn huyện Gò Công Tây về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết ( 20/8/1864- 20/8/2024), nhằm thể hiện sự tri ân, tôn kính đối với Anh hùng dân tộc Trương Định và các bộ tướng nghĩa quân Trương Định trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Sáng ngày 19/8/2024, Đoàn lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Gò Công Tây do đồng chí Đinh Tấn Hoàng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Huỳnh Thanh Bình- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy cùng với các phòng ban chuyên môn huyện, Đảng ủy, UBND các xã Đồng Thạnh, Long Vĩnh, Long Bình, thân nhân các gia đình đã tổ chức Lễ dâng hương và đặt vòng hoa tại 04 mộ bộ tướng nghĩa quân Anh hùng dân tộc Trương Định nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết ( 20/8/1864 - 20/8/2024).

Theo đó, Đoàn đã đến dâng hương và đặt vòng hoa tại Dinh thờ ông Võ Đăng Được- là nghĩa quân Trương Định tọa lạc tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây. Tên ông được chính quyền địa phương đặt cho ngôi trường Trung học cơ sở Võ Đăng Được xã Đồng Thạnh ngày nay.

Mộ ông Trần Văn Thiện tọa lạc ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh, ông Trần Văn Thiện tham gia nghĩa quân năm 18 tuổi, rất gan dạ được Anh hùng dân tộc Trương Định rất trọng dụng phong chức “ Phòng” gọi là “Phòng Thiện”, ông hoạt động khởi nghĩa tại vùng Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây ngày nay. Tuy Anh hùng dân tộc Trương Định đã hy sinh vào năm 1864, nhưng ông Trần Văn Thiện vẫn tiếp tục hoạt động trong tình thế cuộc khởi nghĩa càng ngày đi vào khó khăn và tan rã dần. Sau đó, ông Trần Văn Thiện bị giặc bắt và chém đầu tại Lầu Bà Tám Huê- Chín Đào thuộc ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh ngày nay. Trước kia mộ ông là mộ đất nằm giữa ruộng, đến năm 2016 mộ ông đã được con cháu xây mộ bằng xi măng theo kiểu hiện đại và có lắp bia mộ. Tên ông được chính quyền địa phương đặt cho ngôi trường Tiểu học Trần Văn Thiện xã Đồng Thạnh ngày nay.

Tiếp đó, Đoàn đã đến xã Long Bình cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương viếng thăm, thắp hương tại phần mộ ông Trương Điền, tọa lạc tại ấp Ninh Quới xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Ông vào Nam tham gia đánh Pháp xâm lược, Trương Điền đánh nhau với Pháp tại trận Đường Tranh. Bị thua, ông cùng một số nghĩa quân kéo về vùng đất Gò Công với ý định hợp quân cùng Trương Định để tiếp tục đánh Pháp. Nhưng về đến nơi thì được tin Trương Định đã tuẫn tiết hy sinh, sau một thời gian đánh thêm các trận với quân Pháp, ông bị quân Pháp dùng các biện pháp cô lập, phong tỏa, nghĩa quân dần thiếu lương thực, thuốc men, vũ khí, Trương Điền lo buồn tuyệt vọng thổ huyết.

Ngoài ra, Đoàn cũng đã đến thăm viếng phần mộ ông Đặng Khánh Tình tọa lạc tại ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh. Ông tham gia nghĩa quân do Trương Định thống lĩnh, ban đầu ông được giao chức Đội, sau lên chức Đốc Binh hoạt động ở vùng đất huyện Gò Công Tây ngày nay. Khi Pháp mở cuộc tấn công toàn diện, Trương Định tuẫn tiết, nghĩa quân tan rã nhưng ông vẫn kiên cường tập hợp anh em nghĩa quân lập căn cứ kháng Pháp, căn cứ của ông bị bao vây, giặc Pháp bắt sống ông đem về ra sức chiêu dụ hàng, tuy nhiên ông nhất định không chịu hàng, giặc Pháp đã chặt đầu xử tử ông để làm suy giảm nhuệ khí quân ta. Tuy nhiên sự hy sinh của ông đã thổi bùng lên ngọn lửa hào hùng quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân dân ta, tạo nên sự thành công của các cuộc kháng chiến sau này. Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn ông, tên ông Đặng Khánh Tình được đặt cho một con đường tại Trung tâm Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.

Nhằm ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước của các bộ tướng của Trương Định, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, UBND huyện đã và đang thực hiện các bước theo quy trình hồ sơ thủ tục để đề nghị về cấp trên công nhận Dinh Ông Võ Đăng Được và 03 ngôi mộ tướng của Anh hùng dân tộc Trương Định gồm: mộ ông Trần Văn Thiện, ông Trương Điền, ông Đặng Khánh Tình là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh để bày tỏ lòng tri ân kính trọng của thế hệ ngày nay trước sự hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các bộ tướng nghĩa quân Anh hùng dân tộc Trương Định.

Tác giả bài viết: Quốc Nam - Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây