Huyện Gò Công Tây: Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Thứ năm - 14/09/2023 23:43
Chiều ngày 14/9/2023, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn- Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí lãnh đạo UBND xã, thị trấn, các cán bộ làm công tác tư pháp, các hội đoàn, thể trong toàn huyện.
Đ/c Nguyễn Thanh Tuấn - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đ/c Nguyễn Thanh Tuấn - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Gò Công Tây được triển khai thực hiện nghiêm túc góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, hình thành ý thức mỗi cá nhân chấp hành pháp luật, ý thức sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Việc thực hiện Luật Hòa giải trên địa bàn huyện đã góp phần tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện vững chắc cho hoạt động hòa giải cơ sở ngày càng đi vào nề nếp. Hầu hết các Tổ công tác hòa giải trên địa bàn huyện được kiện toàn bảo đảm quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng, từ đó hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 66 Tổ hòa giải với 449 hòa giải viên, 100% hòa giải viên đều được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở. Theo thống kê chung qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã tiếp nhận 1.429 vụ, việc hòa giải, qua đó, đã tiến hành xác minh hòa giải 1.423 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.262 vụ, không thành 154 vụ chủ yếu là các vụ việc tranh chấp đất đai. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ tiếp nhận hòa giải là 44 vụ, đã hòa giải thành 43 vụ, không thành 1 vụ.
 

huyen go cong tay tong ket luat hoa giai co so (1)
 
huyen go cong tay tong ket luat hoa giai co so (2)

UBND huyện khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.


Định kỳ hàng năm, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Gò Công Tây đều có tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác hòa giải, từ đó ghi nhận những kết quả đạt được, có kế hoạch, phương án khắc phục các vấn đề khó khăn, hạn chế để từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở. Nhìn chung, kết quả công tác hòa giải cơ sở thành các vụ việc hòa giải đạt tỷ lệ cao là do các cô, chú là hòa giải viên và các tổ hòa giải trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao năng lực, kinh nghiệm, dành nhiều tâm huyết, thời gian cho công tác hòa giải. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện cũng được quan tâm thực hiện, đảm bảo tính kịp thời, thường xuyên, với những hình thức sinh động, thiết thực. Từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Dịp này, UBND huyện Gò Công Tây đã biểu dương khen thưởng cho 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải tại cơ sở.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn- Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây nhấn mạnh trong thời gian tới đây, ngành Tư pháp huyện tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Hòa giải tại cơ sở, mọi cán bộ, công chức huyện và xã cần nâng cao ý thức tham gia thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở; tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong việc quản lý điều hành, quan tâm và có chỉ đạo kịp thời với các vụ việc vừa phát sinh tại cơ sở, tránh tình trạng kéo dài mâu thuẫn dẫn đến kết quả xấu về sau. Hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung của Luật Hòa giải, các nội dung gần gũi, thiết thực để người dân dễ hiểu và thực hiện hạn chế tối đa tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo…Trong đó tập trung nhấn mạnh vào các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, xã, thị trấn cần tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cộng đồng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của hòa giải viên để giải quyết các tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp. Việc thường xuyên bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng giữa các hòa giải viên, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, tìm hiểu, truy cập pháp luật phục vụ công tác hòa giải.

Thứ ba, tăng cường quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt Nghị quyết số 102/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, góp phần động viên, khích lệ các hòa giải viên tham gia giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và Tòa án nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng Công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên về nghiệp vụ hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn và thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, hỗ trợ việc thực thi các thỏa thuận hòa giải thành của các bên tranh chấp.

Thứ năm, có giải pháp huy động nguồn nhân lực được đào tạo, có kinh nghiệm để tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Thứ sáu, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ Tư pháp trong tham mưu quản lý, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở.

Tác giả bài viết: Kim Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây