HUYỆN ỦY GÒ CÔNG TÂYhttps://huyenuygocongtay.vn/uploads/logocobay.gif
Thứ tư - 11/10/2023 11:58
Đến ấp Hòa Bình, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây hỏi thăm mô hình sản xuất an toàn sinh học thân thiện với môi trường ai ai cũng biết đến cô Võ Thị Cẩm Lệ- sinh năm 1968 tại đây. Hơn 1 năm qua, mô hình sản xuất của cô Lệ đã ngày càng có nhiều người biết đến tìm tòi tham quan, học hỏi và không khỏi ngạc nhiên trầm trồ thán phục.
Với gần 7 công đất ruộng, do điều kiện tự nhiên nước từ kênh ra vào nơi đây thường xuyên đầy đủ thuận lợi, Cô Lệ chọn cho mình một lối đi riêng độc đáo, một năm trung bình cô làm 2 vụ lúa, 1 vụ cá, toàn bộ diện tích mặt ruộng cô dùng tấm lưới và cây tre cắm xuống ruộng để bao bọc không cho cá thoát ra ngoài, cô và người thân trong nhà còn thuê mướn nhân công đào sâu khoảng cách bờ ruộng để giữ nước vào ruộng làm chỗ cho đàn cá có chỗ phát triển. Vụ lúa vừa rồi, cô Lệ thả 50kg cá gồm 03 loại chính gồm: cá rô, cá phi, cá trê. Cô Lệ thường sử dụng thức ăn cho cá từ rau lang, cám vụn pha trộn làm thức ăn cho cá, điểm đặc biệt của mô hình sản xuất lúa xen lẫn nuôi cá đó là phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, toàn bộ suốt chu kỳ sinh trưởng hơn 3 tháng của cây lúa hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, chỉ được sử dụng tất cả các sản phẩm có nguồn gốc vi sinh tự nhiên an toàn cho đàn cá dưới nước.
Cô Lệ cho biết, nhờ có con gái cô học và làm bên bộ phận nông nghiệp tại xã, nên cô và gia đình được tuyên truyền, đồng lòng cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất của gia đình mình. Lúc đầu cũng e ngại sợ khó không thực hiện được, nhưng nhờ sự kiên trì, làm thành trì vững chắc màng lưới có độ cao đạt chuẩn bao phủ quanh tất cả các mé ruộng để không cho cá thoát ra. Trong ruộng thì cô và gia đình chọn lựa các giống lúa chất lượng cao, ít bị sâu bệnh, vụ vừa qua, Cô Lệ chọn giống lúa Đài Thơm 8 để sản xuất, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, hạn chế tuyệt đối thuốc hóa học, ruộng lúa của gia đình cô còn được thương lái các nơi biết đến đặt hàng báo giá trước để thu mua khi lúa chín với giá cả cao hơn giá thị trường 500 đồng/ 1kg. Những khi ruộng lúa có chút đỉnh rầy trắng hay rầy nâu nhỏ, thì đó cũng là lúc đàn cá rô, cá phi phát huy vai trò lấy luôn rầy trắng nhỏ làm nguồn thức ăn cho đàn cá, vừa giúp tiêu diệt sâu rầy hại lúa. Trung bình mỗi đợt nước vào ruộng, cô Lệ đều canh mực nước đầy đủ rồi giữ lại đảm bảo cho cá phát triển thuận lợi. Trên bờ ruộng, cô Lệ còn trồng thử nghiệm hơn 15 gốc cây Chà là Thái lan, sau hơn 2 năm trồng, đến nay, cây phát triển tươi tốt, hứa hẹn sẽ cho trái chín thu hoạch có giá trị trong một vài năm tới đây.
Với suy nghĩ đơn giản, sống hòa mình cùng với thiên nhiên Cô Lệ cùng chồng, con xây dựng thêm một dãy nhà mái lá nhỏ để vài chiếc bàn con uống nước, mắc vài chiếc võng, ghế dựa trên căn nhà mái lá có mặt tiền hướng ra cánh đồng lúa bao la trước mắt, không gian rộng rãi thoáng mát, những rãnh nước mát trong cũng đàn cá rô bơi lội, cô Lệ chia sẻ hễ du khách nào biết đến nơi này tìm đến tham quan, ngắm cảnh, ưa thích thiên nhiên, muốn câu cá rô giải trí cô cũng sẵn lòng cho câu cá thoải mái, khách cứ việc kiếm mồi đem đến đây câu khi đem về với mức giá nhỏ hỗ trợ tiền thức ăn cho đàn cá. Cô mong muốn trong thời gian tới có điều kiện hơn, cô sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi cá xây nhiều căn nhà bằng vật liệu tự nhiên như tre, lá, để tạo cảm giác gần gũi chan hòa với thiên nhiên. Đây cũng là một sáng tạo của người dân nông thôn vừa kết hợp sản xuất trồng lúa, nuôi cá, trồng các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao trên nền đất lúa để mở ra một hướng đi tựa như mô hình tham quan du lịch sinh thái nhỏ cho những ai yêu thích thiên nhiên. Hiện giờ Cô Lệ đến nay, cũng có hơn 10 khách quen thường xuyên đến quán uống nước, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, câu cá giải trí. Những chú cá rô, cá phi được nuôi trong ruộng theo kiểu tự nhiên này da trắng tươi, chắc thịt, ăn ngon không khác gì cá đồng ngoài tự nhiên nên được nhiều người ưa thích tìm đến đặt mua. Đến khi chuẩn bị thu hoạch lúa chín, đó cũng là lúc cô Lệ giảm bớt nước hay còn gọi là “ xiết nước” lại để thu hoạch đàn cá, với giá bán cá rô, cá phi trung bình 50.000 đồng/ kg, cô Lệ thu về nguồn kinh tế khá ổn định cho gia đình. Nhìn ruộng lúa xanh tươi mát mắt, người phụ nữ nông thôn với làn da rám nắng, chăm chỉ bên cánh đồng, ruộng lúa, bờ ao, vừa chăm sóc đàn cá, vừa dọn dẹp vệ sinh trồng hoa, cây xanh, tô điểm cho khu vực xung quanh mô hình mình bỏ công vun trồng thêm tươi đẹp, hứa hẹn trong tương lai sẽ là một mô hình sản xuất tích cực, thân thiện an toàn đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vừa gợi mở ra một hướng đi mới của thời đại sản xuất lúa theo hướng hiện đại thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, mô hình này hiện được ngành Nông nghiệp địa phương đánh giá là một mô hình hay, sáng tạo, có thể vừa kết hợp làm điểm tham quan cho mọi người đến học hỏi, nghiên cứu tìm tòi và áp dụng.
Cô Võ Thị Cẩm Lệ- là một trong những gương điển hình người dân xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây tích cực, chung sức đồng lòng tham gia vào chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao mà địa phương phát động thời gian qua, bằng những việc làm nhỏ đơn giản, như tích cực tham gia sản xuất theo hướng an toàn sinh học, trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường, sáng tạo, tìm tòi thực hiện các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả cho thu nhập ổn định không ngừng cải thiện, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần góp phần vào chương trình xây dựng NTM nâng cao mà toàn xã Vĩnh Hựu đang phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2023.