Banner 30-4-2024

Huyện Gò Công Tây: Tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2020-2022, phương hướng nhiệm vụ 2023-2025 và lễ trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2023

Thứ bảy - 14/10/2023 20:43

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (hay gọi là OCOP) là chương trình với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Lãnh đạo UBND huyện tham quan các sản phẩm OCOP của huyện.

Lãnh đạo UBND huyện tham quan các sản phẩm OCOP của huyện.

Mục tiêu của chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp ngành nghề dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.

Hiện nay chương trình mỗi sản một sản phẩm đã góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp nông thôn của các địa phương trong huyện phát triển và được kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thời gian tới từ đó nâng cao thu nhập cho người dân hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thời gian qua chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình có kiểm soát chất lượng minh bạch, sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Điển hình là các sản phẩm đặc trưng gồm các sản phẩm làm từ đông trùng hạ thảo như: Nước đông trùng hạ thảo, bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo, các loại nước sốt đông trùng hạ thảo của Công ty Thiên Ân; Các sản phẩm làm từ cá, tôm như: Mắm cá cơm, mắm ruốc, mắm ruốc xào sả ớt, mắm tôm chua, mắm tôm chà của Cơ sở Mắm Bà Hai Diễm, Các sản phẩm từ Nấm linh chi như Nấm linh chi nguyên tai, trà túi lọc; Các sản phẩm từ gạo như: Gạo VD20 Gò Công, Gạo Đỗ Quyên, Gạo Khổng tước nguyên, Gạo lức, Gạo ST24, gạo Đài thơm 8. Các sản phẩm từ bánh truyền thống như Bánh quy dừa, Bánh đông trùng hạ thảo; Các sản phẩm trái cây như: Mít sấy dẻo, xoài sấy dẻo, thanh long sấy dẻo; Sản phẩm yến thiên nhiên như; Yến sào, Yến đông trùng hạ thảo, các sản phẩm rượu như rượu đông trùng hạ thảo, Rượu nếp linh chi GANOMA 26 độ, Rượu GANOMA REGAL 35 độ, Rượu trái cây CHERIST 10 độ, ... Và các sản phẩm làm từ thịt như: Chả Huế, Chả lụa, Nem chua, lạp xưởng, gà tre nguyên con làm sạch…

Vào sáng ngày 13-10-2023, tại hội trường Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Công Tây, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây tổ chức hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2020-2022, phương hướng nhiệm vụ 2023-2025 và trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt thương hiệu OCOP đợt 1 năm 2023. Tham dự hội nghị có ông Huỳnh Văn Anh- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, đại diện các Sở, ngành tỉnh, ông Huỳnh Thanh Bình- Phó Bí thư- Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ- Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND 12 xã, thị trấn và các chủ thể sản xuất, hộ kinh doanh sản xuất trên địa bàn huyện.

 

ocop huyen go cong tay (2)

UBND huyện trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt thương hiệu OCOP đợt 1 năm 2023.


Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP huyện Gò Công Tây đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sự lan tỏa mạnh trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn, đến nay, toàn huyện Gò Công Tây đã có 40 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP trong đó có 22 sản phẩm OCOP 4 sao, 18 sản phẩm OCOP 3 sao, 82% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 18 % nhóm đồ uống. Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn huyện có 11/13 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 15 chủ thể của 40 sản phẩm gồm: 7 doanh nghiệp và 8 cơ sở sản xuất. Theo đánh chung của của tỉnh, huyện các sản phẩm OCOP của huyện đều có đầy đủ chứng minh rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, UBND huyện cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận như hỗ trợ tem OCOP các chủ thể sau khi được công nhận sản phẩm, hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hỗ trợ chủ thể tham gia các phiên Hội chợ xúc tiến thương mại các tỉnh, thành…qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường bên ngoài. Tại hội nghị, các chủ thể cũng đã phát biểu tham luận trình bày một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP.

Dịp này, UBND huyện Gò Công Tây đã công bố Quyết định số 987/QĐ-UBND về phê duyệt đánh giá phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP của huyện Gò Công Tây trong đợt 1 năm 2023, theo đó Quyết định công nhận huyện có thêm 9 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao cho 6 chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện bao gồm: Sản phẩm của Công ty TNHH Vinaxo – thị trấn Vĩnh Bình có 3 sản phẩm gồm: Xoài sấy dẻo, Mít sấy dẻo, Thanh long sấy dẻo, 2 sản phẩm chả lụa và nem chua của hộ kinh doanh Như Ý xã Bình Phú, 1 sản phẩm Yến sào thiên nhiên Hùng Hậu của DNTN Hùng Hậu xã Bình Nhì, 1 sản phẩm gạo Đài Thơm 8 Phước Thành của hộ kinh doanh Ngô Văn Cường xã Đồng Thạnh, 1 sản phẩm Lạp xưởng của Cơ sở Lạp xưởng Tý Ngọc xã Bình Tân và 1 sản phẩm chả Huế Phú Gia xã Thạnh Nhựt. Các chủ thể sản xuất có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao được UBND huyện cấp giấy chứng nhận, được cấp tem sản phẩm điện tử truy xuất nguồn gốc, được in, dán logo trên bao bì sản phẩm theo quy định sản xuất kinh doanh. Tại hội nghị các chủ thể sản xuất cũng được nghe đại diện nhà mạng viễn thông hướng dẫn các nội dung cách thức đăng ký và sử dụng hệ thống tem đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm để thuận tiện trong việc kinh doanh hàng hóa.

Nhìn chung chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại huyện Gò Công Tây đã được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của tỉnh, huyện đến tận các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia. Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng thế mạnh về phát triển sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương vươn xa ra thị trường là động lực để thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô vừa và nhỏ chuyển sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín trong đó chú trọng gắn liền với vai trò của Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nâng cao về chất lượng, số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của chương trình OCOP và nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hướng dẫn các hộ sản xuất, tổ hợp tác, Hợp tác xã và các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Trong đó, huyện tập trung củng cố và nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn. Mỗi năm phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có tổng cộng 70 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu quảng bá trên trang web chuyên OCOP của tỉnh Tiền Giang và tham gia vào hệ thống cửa hàng, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong thời gian tới, để Chương trình OCOP ngày càng tạo sức lan tỏa, đi vào thực chất, góp phần nâng tầm nông sản huyện nhà, UBND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, hướng dẫn chủ thể tham gia sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển sản phẩm và các sản phẩm OCOP của huyện sẽ tiếp tục giữ chuẩn, nâng chuẩn vươn ra thị trường ngoài tỉnh và khu vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, thực hiện các đột phá để đưa huyện Gò Công Tây phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Tác giả bài viết: Kim Lan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn