Để thực hiện hành vi sản xuất và lưu hành tiền giả thường không chỉ có một cá nhân mà phần lớn được thực hiện bởi nhiều người, mỗi người ở một giai đoạn khác nhau. Nạn nhân của nạn tiền giả này tập trung chủ yếu ở những tiểu thương mua bán, trao đổi hàng hóa và không phải ai cũng có thể phát hiện được tiền mà họ sử dụng là tiền giả. Vào dịp cuối năm giáp Tết là lúc tội phạm lừa đảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, vừa mới đây, từ nguồn tin báo của người dân Công an huyện Gò Công Tây đã phát hiện, lập biên bản xử lý và bàn giao về trên 1 vụ đối tượng sử dụng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để lưu hành trao đổi mua bán hàng hóa. Chính vì vậy, người dân cần lưu ý nâng cao tinh thần cảnh giác khi giao dịch mua bán, chú ý kỹ năng cần thiết nhận diện tiền giả với tiền thật để đề phòng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo sử dụng tiền giả tiềm ẩn trong các hoạt động mua bán, trao đổi hàng ngày. Cụ thể tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng có hình ảnh, hoa văn không sắc nét, hình định vị không khớp khít, mực đổi màu được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật, mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực bị nhòe, cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối. Các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán nilon khu vực cửa sổ, phủ lớp nilon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nilon mỏng ở mặt trước tờ tiền. Khi soi dưới ánh đèn cực tím, khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang sẽ không có tín hiệu phát quang. Theo cơ quan Công an, khi phát hiện tiền giả, đối tượng đang sử dụng tiền giả, vận chuyển tiền giả người dân cần tìm cách giữ chân đối tượng và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Căn cứ vào Điều 207, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định rất rõ mức xử phạt đối tượng vi phạm khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Điều đáng chú ý, tại quy định này, ngoài việc xác định yếu tố cấu thành tội phạm, trường hợp xuất hiện thêm một số tình tiết tăng nặng, đối tượng vi phạm có thể phải chịu mức án tù chung thân. Cụ thể như sau:
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải bị xử lý. Mức án tuyên phạt đối với đối tượng vi phạm sẽ được cơ quan chức năng đưa ra trên cơ sở căn cứ, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tăng, giảm tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ. Việc nhanh chóng phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm về hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả của cơ quan chức năng được dư luận đặc biệt quan tâm, ủng hộ, qua đó thực hiện hồi chuông răn đe, cảnh tỉnh đối với những đối tượng nào nếu có ý đồ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Kim Lan.