Thực trạng vay “tín dụng đen” và biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm có liên quan

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp tại các nơi trên toàn địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Từ đó, kéo theo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan như: đòi nợ theo kiểu đe dọa, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và các hành vi phạm tội khác, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) địa phương.

Thực trạng vay “tín dụng đen” và biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm có liên quan

Trước thực trạng đó, lực lượng Công an huyện Gò Công Tây đã thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và đã phát hiện, bắt, xử lý nhiều đối tượng cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản.

Tín dụng đen đã gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT địa phương. Khi đã trở thành con nợ của “tín dụng đen”, cuộc sống của nhiều người lâm vào bế tắc. Khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay dùng mọi thủ đoạn, từ việc gởi thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất đe dọa, khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội hoặc dùng điện thoại quấy rối, cho đến thuê người đến nhà đập phá, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà, bắt giữ người trái pháp luật để gây sức ép, buộc nạn nhân phải trả nợ.

Không chỉ người trực tiếp vay nợ bị khủng bố mà ngay cả người thân trong gia đình cũng bị các đối tượng đòi nợ đe dọa bằng mọi cách.

Nạn nhân của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” không chỉ là những người làm ăn thua lỗ, những hoàn cảnh khó khăn mà còn có cả những đối tượng ham mê cờ bạc. Trong đó, cũng có không ít đối tượng, dù biết rằng khi vay mượn nợ sẽ không khả năng chi trả, nhưng vẫn vay, rồi bỏ trốn.

Như trường hợp của một thanh niên làm công nhân trong khu công nghiệp Long Giang. Do cần tiền tiêu xài, thanh niên này đã vay của 03 đối tượng chuyên cho vay lãi nặng với số tiền hơn 160 triệu đồng nhưng không trả và bỏ trốn. Sau đó, thanh niên này đã bị nhóm đối tượng phát hiện, khống chế, cưỡng đoạt 05 triệu đồng, đồng thời đưa về nhà đánh, ép viết giấy nợ 247 triệu đồng.

Nguyên nhân của thực trạng này, xuất phát từ nhận thức không đầy đủ về mức độ hành vi, cũng như các quy định của pháp luật liên quan. Một số tổ chức, cá nhân vì muốn nhanh chóng thu hồi nợ đã chọn cách thuê, mướn các đối tượng để đòi nợ.

Tuy nhiên, việc thuê mướn này dẫn đến những hậu quả mà người thuê không lường trước được. Khi thuê những đối tượng côn đồ với bản chất lưu manh, vượt khỏi tầm kiểm soát của người thuê, thì chính họ lại bị đối tượng mà họ thuê uy hiếp. Khi không đòi được nợ, đối tượng quay sang ép người thuê phải thanh toán theo hợp đồng.

Trong thời gian tới đây, Công an huyện Gò Công Tây tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận những tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất cho phép để có khả năng thực hiện nhiệm vụ trả nợ; đồng thời rà soát, lên danh sách các đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để tập trung, áp dụng nhiều biện pháp để đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các đối tượng này, củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Lực lượng Công an đã và đang tập trung nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm liên quan “tín dụng đen”. Để phòng tránh hậu quả xấu từ “tín dụng đen”, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn, người dân khi có nhu cầu vay tiền thì nên đến ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép để làm thủ tục vay tiền, không nên vay mượn tiền từ các đối tượng bên ngoài, phòng tránh trường hợp các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Kim Lan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây