Liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy (1912-1941) sinh ra tại xã Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Theo Địa chí Long An, Nguyễn Thị Bảy lúc mười tuổi thì người mẹ lâm bệnh qua đời, nên Bà theo cha làm nghề hốt thuốc bắc sang sống ở quận Cần Đước. Lớn lên, Bà lại bỏ nhà ra đi, tìm đường tự lập để thoát khỏi cảnh dì ghẻ con chồng. Chị đến Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc), vừa làm nghề cấy mướn, vừa làm nghề đốn củi bên phía Rừng Sác. Ở đây, chị làm quen với anh Nguyễn Văn Ớt, quê xã Phước Lại, cũng đồng cảnh ngộ, sau đó hai người thành vợ thành chồng. Ít lâu sau, chị mới phát hiện ra rằng chồng mình là đảng viên cộng sản đang hoạt động bí mật. Thực ra anh Ớt là Bí thư chi bộ xã Phước Lại, được trên tăng cường về xây dựng cơ sở ở Phước Vĩnh Đông. Cũng chính anh Ớt đã tuyên truyền giác ngộ và tổ chức kết nạp Đảng cho chị ở chi bộ xã Phước Lại. Năm ấy, chị vừa tròn 20 tuổi. Từ đó, đôi bạn đời trở thành đôi đồng chí, cùng lao động, cùng hoạt động cách mạng. Nhạy bén và dũng cảm, biết gắn bó với quần chúng trong công tác, chị Bảy đã trưởng thành nhanh chóng.
Năm 1934, chị được cấp trên chỉ định vào Ban Chấp hành Quận ủy Cần Giuộc. Đến năm 1936, chị tham gia Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng thời phụ trách Bí thư Quận ủy Cần Giuộc. Đây là thời kỳ phong trào “Đông Dương đại hội” phát triển mạnh, nhiều Ủy ban hành động, dưới sự chỉ đạo của Quận ủy, được thành lập nhiều nơi trong quận.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đế quốc Pháp nhảy vào vòng chiến. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đàn áp và dập tắt phong trào cách mạng. Chúng ra sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản. Ở tỉnh Chợ Lớn, nhiều đồng chí đảng viên cốt cán và quần chúng cách mạng bị bắt bớ, giam cầm. Một số khác vì bị lộ đã phải chuyển vùng, nhưng chị Bảy nhờ tài khéo léo ngụy trang và biết dựa vào quần chúng nên vẫn tiếp tục bám trụ và len lỏi hoạt động ở địa phương.
Tháng 11-1940, khi lệnh khởi nghĩa do Xứ ủy Nam kỳ ban ra, Cần Giuộc là quận đã phát động được đông đảo quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ nhất trong tỉnh Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa do chị Bảy đứng đầu, nhiều cuộc trừ gian, diệt tề, ngăn chặn giao thông, cắt đường dây liên lạc của địch, tước vũ khí của bọn tề làng đã diễn ra nhiều nơi. Do điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi, cho nên cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã thất bại. Bọn thực dân Pháp đàn áp phong trào một cách dã man. Ở Cần Giuộc, nhiều người bị bắt, bị giết ngay tại chỗ, có người phải trốn đi nơi khác.
Ngày 14/12/1940, chị Nguyễn Thị Bảy cùng đồng chí Trần Chí Nam Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa quận, trao đổi công tác trên một chiếc xuồng thì bất ngờ gặp phải bọn lính lê dương tuần tra. Đồng chí Trần Chí Nam xách súng vừa nhảy lên bờ thì bị bắn gục, còn chị Bảy lao xuống sông, bị chúng bắt được, đưa thẳng về đồn. Sau đó, chúng đem chị về giam ở bót Pôlô, Sài Gòn. Chính nơi đây, địch đã cho thủ tiêu nhiều tù nhân Cộng sản. Chúng dùng đủ cực hình dã man tra tấn chị. Mỗi lần bị nhục hình, chị trừng mắt nhìn thẳng mặt quân thù, đanh thép nói: “Chúng bây là bọn người cướp nước và bán nước! Vì vậy chúng tao là những người Cộng sản có nhiệm vụ cùng nhân dân đánh đổ bọn bây, giành lại nền độc lập cho đất nước”.
Trước sự bất khuất của chị Bảy, bọn lính bót Pô-lô đành bó tay khuất phục. Chúng đặt cho chị biệt danh “Hoàng hậu đỏ”, chuyển chị qua khám Phú Mỹ - nơi biệt giam những nữ tù nhân để chờ ngày đưa ra tòa án quân sự kết án. Từ nhà lao này qua nhà tù khác, chị luôn giáo dục chị em hãy vững tin ở ngày mai. Vào khám Phú Mỹ, chị Bảy bị giam chung với chị Nguyễn Thị Minh Khai - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định người đã từng huấn luyện, dìu dắt chị.
Mấy tháng sau, cả hai người bị Tòa án Quân sự Sài Gòn kết án tử hình. Đây cũng là hai nữ đảng viên duy nhất bị kết án tử hình, trong bản danh sách hơn 170 chị em tù chính trị bị bắt giam lúc bấy giờ.
Ngày 18/5/1941, bọn thực dân Pháp đưa chị về xử bắn tại sân banh Cần Giuộc cùng với 4 đồng chí khác nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng. Trên chiếc xe bịt bùng, chị bước xuống, bình tĩnh đi giữa hai tên sen đầm cầm lưỡi lê tuốt trần. Chị Bảy đưa mắt nhìn bà con đứng hai bên, trên môi vẫn nở nụ cười.
Chị lắc đầu từ chối việc rửa tội của người linh mục. Một tên địch hỏi chị trước khi chết có cần nhắn nhủ điều gì cho gia đình không? Chị Bảy trả lời: “Tao không còn gia đình, tao chỉ muốn nhắn nhủ đồng bào tao đôi lời thôi”. Nói xong, chị quay sang phía bà con đang đứng, kêu gọi mọi người hãy giữ vững dũng khí, tiếp tục đấu tranh đánh đuổi bọn cướp nước để mọi người được hưởng hạnh phúc ấm no.
Đứng bên cột bắn, chị không cho địch bịt mắt, để chị một lần cuối được nhìn thấy đồng bào, quê hương của mình.
Những người chứng kiến hôm ấy nghe tiếng hô của 5 chiến sĩ cộng sản là Bảy, Đang, Châu, Tiếu, Thiệp vang lên trong tiếng súng:
- Đả đảo đế quốc Pháp !
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cái chết của Nguyễn Thị Bảy và các đồng chí của chị đã gây niềm xúc động lớn và mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm người dân Cần Giuộc hình ảnh kiên cường bất khuất của những người cộng sản trung kiên.
Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng đồng chí danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 23/02/2010 và truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” vào ngày 05/6/2015.
Kim Lan