Người chăn nuôi cần nâng cao cảnh giác với bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Người chăn nuôi cần nâng cao cảnh giác với bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Bệnh Viêm da nổi cục còn gọi là bệnh da sần, bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người.

- Đường truyền lây bệnh chủ yếu qua côn trùng đốt như: Muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò, mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh;

- Bệnh thường xảy ra theo mùa, trong điều kiện thời tiết ấm, độ ẩm cao, làm giảm sản lượng sữa, giảm khả năng sinh sản, tổn thương da, giảm tăng trọng; bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò cái mang thai có thể sảy thai và chậm động dục trong vài tháng.

 Triệu chứng, bệnh tích

- Trâu bò mắc bệnh thường có biểu hiện sốt cao, có thể trên 41°C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu.

 - Giảm khả năng tiết sữa ở gia súc đang cho con bú.

- Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt.

- Sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 - 14 ngày.

- Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

- Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

- Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi

 - Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.

 Biện pháp phòng, chống bệnh

Áp dụng biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh sát trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng, bằng hoá chất, vôi bột, tại các khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tu sửa chuồng trại đảm bảo.

- Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ; định kỳ phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; thu gom phân, chất thải đưa vào hố chứa phân, rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp. Định kỳ mỗi tuần phun sát trùng 1 - 2 lần, xung quanh khu vực chuồng để tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất sát trùng như: Benkocid, Iodine 10%,...

- Tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, côn trùng hút máu,..tại khu vực chuồng nuôi.

- Tăng cường chế độ chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ, đúng khẩu phần, thức ăn thô xanh (15 - 30 kg/con/ngày), bổ sung thức ăn tinh (1 -2 kg/con/ngày), vitamin C, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, tạo hệ miễn dịch cho gia súc.

- Chỉ nhập, tiếp nhận trâu, bò rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định.

  Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh VDNC. Vắc xin sẽ có hiệu lực sau tiêm 3 tuần. Gia súc cần được tiêm phòng trước khi mầm bệnh xâm nhiễm vào đàn.
Kim Lan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây