Hành vi đòi nợ thuê dẫn đến vi phạm pháp luật

Hành vi cho mượn tiền rồi tự đi đòi theo pháp luật là không cấm, nhưng thuê mướn người khác đi đòi dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật thì cả người thuê và người được thuê đều vi phạm pháp luật. Khi tiến hành việc đòi nợ, đa số các băng nhóm xã hội đen đều sử dụng mọi biện pháp để gây sức ép, để con nợ phải trả tiền. Các đối tượng sử dụng hình thức bạo lực hoặc các thủ đoạn gây sức ép lên tinh thần và tính mạng của con nợ nhằm đòi được nợ. Tất cả các hành vi này đều là các hành vi cố ý đe doạ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác.

Hành vi đòi nợ thuê dẫn đến vi phạm pháp luật

Lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang trực tiếp có mặt khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Ảnh: Công an tỉnh Tiền Giang).

Căn cứ theo Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau đây:

  • Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù

  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015; với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

  • Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 05 năm

Ngoài ra, các đối tượng xã hội đen tự ý chiếm dụng tài sản của con nợ, với lý do để bù lại khoản tiền họ đang nợ. Bản chất đây là những hành vi cưỡng đoạt tài sản, thậm chí là cướp tài sản. Trong trường hợp này, người đi đòi nợ thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh:

  • Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

  • Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam; hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo đó, vay nợ là quan hệ dân sự. Vì vậy nếu đối tượng không trả nợ đúng hạn thì người cho mượn nợ có quyền khởi kiện đòi nợ dân sự ra Tòa án dân sự giải quyết. Trường hợp Tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng đối tượng vẫn không trả tiền thì bên cho vay có thể đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản của người vay tiền để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ…

Ngoài ra, người cho mượn nợ cũng có thể tố cáo đến cơ quan điều tra nếu nhận thấy đối tượng mượn nợ có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo pháp luật. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra yêu cầu người đã chiếm đoạt tiền của mình phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có.

Kim Lan.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây