Một trong những nội dung quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết là vai trò của văn hóa và con người trong sự phát triển của xã hội hiện nay: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Bản sắc văn hóa Việt Nam giàu tính nhân văn, tính cộng đồng, luôn lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình, luôn lấy sự bao dung, hòa đồng làm cơ sở để xem xét những hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người. Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh bởi những giá trị của lòng yêu nước; tinh thần đoàn kết gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - đất nước; giàu lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử; giản dị trong lối sống. Chính những giá trị truyền thống văn hóa đó đã kết lại thành nền tảng tinh thần cho sự tồn tại của dân tộc.
Trong lịch sử của dân tộc với hơn 4000 dựng nước và giữ nước, hơn 1000 năm Bắc thuộc và hơn 100 năm chống đế quốc thực dân, nhờ có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, khát vọng tự do, Việt Nam đã cùng nhau đứng lên, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hơn 1000 năm Bắc thuộc nhưng đất nước ta vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, có tiếng nói và chữ viết riêng, tạo nên những giá trị truyền thống văn hóa mà thế giới phải nể phục, đó chính là ý chí không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.
Truyền thống văn hóa ấy, đã và đang được duy trì, gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày hôm nay. Chính những giá trị văn hóa đích thực đã tạo dựng nên nền tảng tinh thần của xã hội; từ đó tạo nên sức mạnh để Việt nam làm động lực phát triển kinh tế, chính trị và tất cả các lĩnh vực khác. Chính ý chí tự lực, tự cường, không ngại khó khăn, gian khổ, đoàn kết, thống nhất một lòng, từ ý Đảng đến lòng dân đã từng bước đưa Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình; đưa đất nước ta từ một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành một nước đang phát triển, được các nước trên thế giới quan tâm và biết đến nhiều hơn; như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Do đó, văn hoá đóng vai trò nền tảng tinh thần của xã hội, nghĩa là nền văn hóa yêu nước, gắn liền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nền văn hóa tiến bộ, thúc đẩy lịch sử phát triển với hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, với chế độ xã hội tiến bộ; nền văn hóa đặt người lao động ở vị trí chủ thể của sự phát triển; bảo tồn và phát triển những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc anh em được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn lực của một dân tộc được cấu thành từ nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh; trong đó, nguồn lực nội sinh là sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, được cấu thành từ hai nguồn: sức mạnh cứng (gồm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh,…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia).
Văn hóa với vai trò là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự phát triển bền vững đất nước. Nội sinh có mạnh và bền vững thì trong hội nhập mới tiếp nhận được ngoại sinh một cách có chọn lọc, để ngoại sinh thâm nhập vào nội sinh theo chiều hướng tích cực, phát triển chứ không phải lấn át, làm suy yếu nội sinh, hoà nhập chứ không hoà tan.
Văn hóa giữ vị trí đặc biệt và có vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người. Văn hóa phải cùng với chính trị, kinh tế, xã hội... tạo nên sức mạnh tổng hợp của sự phát triển dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để chấn hưng và phát triển văn hoá, một trong những nội dung quan trọng của hai bài viết về văn hóa trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đó là văn hóa chính trị. Đây không hẳn là vấn đề mới, nhưng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nội dung xây dựng văn hóa đảng, văn hóa chính trị từng được Tổng Bí thư đề cập trong nhiều bài viết, bài phát biểu với những yêu cầu như: chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh cần phải xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Văn hoá chính trị, vì vậy phải gắn với cái gốc là phục vụ Nhân dân. Tổng Bí thư yêu cầu cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng. Đặc biệt văn hoá chính trị cần phải thực hiện ngay, xây dựng ngay trong chính các cơ quan, đơn vị làm công tác văn hoá.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết tổ chức các chiến dịch truyền thông xuyên tạc, bịa đặt chống phá Đảng, Nhà nước trên internet, mạng xã hội.
Trong các lĩnh vực chống phá, chúng xác định tư tưởng, văn học - nghệ thuật là “mũi tiến công” quan trọng bởi lĩnh vực này là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của con người. Chúng gia tăng các hoạt động tán phát phim, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có quan điểm sai trái, thù địch, tuyên truyền lối sống thực dụng, phủ nhận lịch sử cách mạng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để tác động thẩm thấu đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là giới trẻ. Tập trung khoét sâu vào những tổn thương trong quá khứ của dân tộc; hạ bệ hình tượng lãnh tụ; thổi phồng, bôi đen, ám chỉ hiện thực đất nước hôm nay với hàm ý phủ định sự lãnh đạo của Đảng, phủ định con đường phát triển hiện nay của dân tộc ta. Bên cạnh đó, chúng sử dụng một số trí thức, văn nghệ sĩ cực đoan để tạo dựng “ngọn cờ” tập hợp lực lượng chống phá; tiếp tục núp bóng các tổ chức “xã hội dân sự” để thành lập các tổ chức đối lập. Các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng “phản biện xã hội”, ý kiến trái chiều của văn nghệ sĩ, trí thức, vấn đề “nóng” nảy sinh trong đời sống xã hội, hạn chế, yếu kém, sai phạm ở một số lĩnh vực để suy diễn, công kích, hạ thấp uy tín, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sử dụng các sáng tác văn học, nghệ thuật kiểu trào phúng để công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm xói mòn niềm tin của văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Để tránh rơi vào những “cái bẫy” mà các thế lực thù địch giăng sẵn, đồng thời để nâng cao vai trò của văn nghệ sĩ trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, cần ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường truyền bá những giá trị tinh hoa văn hoá và góp phần xây dựng hệ giá trị cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Vì vậy cần phải quán triệt sâu sắc hơn những quan điểm có tính chân lý mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”. Tổng Bí thư cũng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ; mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.
Những người làm công tác văn hoá hơn ai hết cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch; không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua lợi dụng hoạt động văn hóa nghệ thuật. Khuyến khích, động viên quần chúng Nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, tài năng tiêu biểu; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ tiên phong gương mẫu, phục vụ tích cực sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Để tạo ra cơ sở, nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn hoá, các cơ quan lãnh đạo, quản lý về văn hoá cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra rằng, cần “khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” Đặc biệt, trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Đây chính là những giải pháp căn cơ và toàn diện để tập trung các nguồn lực, xây dựng sức mạnh văn hoá nhằm đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch.
Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển của xã hội hiện nay đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là văn hoá ứng xử trong ngôi trường Đảng, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Theo đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội; từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Thứ hai, phải coi trong xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên, học viên.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.
Thứ tư, là bạn của tất cả các nước, hữu nghị, hợp tác, thêm bạn, bớt thù, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cho Việt Nam. Đó cũng là nội dung và phương pháp làm tăng sức mạnh nội lực dân tộc bằng các sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Để phát huy các giá trị văn hóa của ngôi trường Đảng, Trung tâm Chính trị huyện Gò Công Tây tạo dựng nên môi trường đào tạo những “hạt giống đỏ” vừa đủ đức, vừa đủ tài nhằm phục vụ Đảng, Nhà nước và quần chúng, nhân dân. Với 5 chuẩn mực về đạo đức “Kiên định - Kỷ cương - Đoàn kết - Nêu gương - Sáng tạo”, nhà trường đã và đang từng bước xây dựng một môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến, lấy hiệu quả phục vụ, thành công và hạnh phúc của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân trong huyện làm mục tiêu phấn đấu.
Phát huy truyền thống văn hóa của nhà trường, cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện để nhà trường trở thành nơi rèn luyện lý tưởng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra; chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị.
Bên cạnh đó, mỗi học viên cần ra sức nghiên cứu, học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình để xác định ngôi trường Đảng là nơi trau dồi đạo đức và tư cách cách mạng; từ đó rèn luyện lối sống lành mạnh, tác phong chuẩn mực; thích ứng linh hoạt, nhạy bén với cái mới, cái có ích và từ bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu; cùng với Nhà trường tạo ra các giá trị văn hóa mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy bài học quan trọng trong việc tập trung phát triển văn hóa đất nước. Để góp phần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhà trường cần tiếp tục phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, kiến tạo môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên và học viên trong học tập và rèn luyện để xây dựng thành công môi trường văn hóa trường Đảng văn minh, tiến bộ và kiểu mẫu.
Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết lý luận về đường lối đổi mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Qua nội dung các bài viết về văn hoá của Tổng Bí thư trong cuốn sách, chúng ta càng được nhận thức sâu sắc thêm về vai trò của văn hoá nói chung, văn hoá chính trị nói riêng, đồng thời thấu hiểu hơn sứ mệnh của văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá trong tình hình mới hiện nay. Những nội dung liên quan đến các định hướng lớn cũng như những nhiệm vụ cụ thể để phát triển văn hoá đều đã được đề cập một cách toàn diện, sâu sắc. Đặc biệt, các giải pháp căn cơ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thế lực thù địch, chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hoá cũng đã được chỉ ra. Đây chính là những tư liệu quý giá để cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân thêm hiểu, thêm vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những giá trị cốt lõi, tốt đẹp và bền vững./.
Nguồn tin: Tài liệu