Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Có đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp khó khăn gian khổ bao nhiêu, càng cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, xem đây là yếu tố quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đoàn kết. Tư tưởng về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật qua những câu nói của Bác: “Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Đoàn kết là thắng lợi; Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công; Đoàn kết là một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó chính là đoàn kết”2.
Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu và đánh bại những thế lực thù địch có ưu thế vượt trội về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu vào bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”3.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”4.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm: Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Đó chính là lực lượng và hình thức tổ chức đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phải phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt để đạt mẫu số chung của đại đoàn kết toàn dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh. Người khẳng định: Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh.
Hình thức tổ chức lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc là Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận dân tộc thống nhất chỉ có thể bền vững khi được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí thức và dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Từ đó Bác xác định yếu tố tiên quyết là xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị.
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân thông qua hệ thống chính quyền, Mặt trận dân tộc thống nhất và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm vụ của Đảng có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: “ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG”5.
Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để hoàn thành sứ mệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền, cần tập trung xây dựng Đảng trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu tất yếu, khách quan, bởi công tác này gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.
Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm:
- Xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng: Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị và tư tưởng.
- Xây dựng Đảng về tổ chức: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong hệ thống đó, Chi bộ đóng vai trò là hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và giám sát đảng viên; có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
- Xây dựng Đảng về đạo đức: Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Do vậy, để xây dựng Đảng, cần nắm rõ 3 nguyên tắc:
+ Chuẩn mực đạo đức cần có của tổ chức Đảng: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, chống giáo điều và xa rời nguyên tắc. Trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân, dân tộc Việt Nam và của loài người. Đảng gắn bó với dân, là người lãnh đạo đồng thời là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
+ Phẩm chất đạo đức cách mạng cần có của cán bộ, đảng viên: Trung với nước hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương, quý trọng con người; có tinh thần quốc tế trong sáng.
+ Nguyên tắc, biện pháp xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng: Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức; tu dưỡng đạo đức suốt đời; xây dựng đạo đức đi đôi với chống lại những hiện tượng phi đạo đức.
Đồng thời, tổ chức sinh hoạt đảng cần thực hiện 5 nguyên tắc: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác; nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Một số giải pháp nhằm xây dựng Chi bộ thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Để phát huy tinh thần đoàn kết nhằm xây dựng Chi bộ cơ sở thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, mỗi đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những hành vi và việc làm của bản thân; nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao với chất lượng, hiệu quả cao. Luôn phát huy và giữ vững tinh thần đoàn kết, xây dựng Chi bộ cơ sở đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; có tinh thần giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hai là, luôn xác định rõ bản thân là một nhân tố góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng Chi bộ cơ sở đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình để nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đảng. Tự giác nhận khuyết điểm và sai sót của bản thân. Kịp thời khắc phục những hậu quả; không đùn đẩy đổ lỗi của mình cho người khác.
Ba là, ra sức phấn đấu xây dựng mối đoàn kết nội bộ tốt, mỗi đảng viên trong Chi bộ cơ sở là một thực thể không thể tách rời; luôn tập hợp, đoàn kết mọi người trong chi bộ, tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi cá nhân, không trái với lợi ích chung của tập thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa các gia đình, cá nhân mỗi đồng chí trong Chi bộ; trong góp ý đấu tranh xây dựng nội bộ luôn thẳng thắn chân tình, cởi mở nhằm giúp nhau cùng tiến bộ.
Bốn là, phải luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu của Chi bộ cơ sở là xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Chi bộ “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh, kỷ cương và tinh thần trách nhiệm”. Vì mục tiêu đó, mỗi đảng viên không ngừng học tập để nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu xây dựng Chi bộ cơ sở ổn định và phát triển bền vững.
Năm là, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đảng viên chúng ta phải gương mẫu tiên phong trong mọi việc làm, mọi hành động, không tự mãn với thành tích đạt được, không kêu ca phàn nàn trước khó khăn. Luôn luôn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi cá nhân để phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Sáu là, nâng cao vai trò lãnh đạo của chi uỷ trong tham gia xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của chi bộ. Phải đoàn kết rộng rãi, chân thành mọi thành viên trong chi bộ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp thông qua các hoạt động tập thể giữa cá nhân hoặc gia đình các thành viên trong chi bộ; động viên để tạo sự đồng thuận, hiệp lực trong thực thi nhiệm vụ tại đơn vị. Phải tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Bảy là, chi ủy chi bộ phải nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động; nỗ lực chăm lo, quan tâm đến lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của từng cá nhân, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể tạo sự công bằng, dân chủ trong chi bộ. Thường xuyên động viên các đảng viên luôn có ý thức xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết trong chi bộ, góp phần đẩy lùi nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung tư tưởng, chính trị và giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm phát huy sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, của dân tộc.
Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là điểm gốc rễ để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong một mặt trận thống nhất chính là để tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tóm lại, một nửa thế kỷ đã qua từ khi Bác đi xa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn đồng hành cùng Đảng, dân tộc và cách mạng Việt Nam; soi sáng, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đạt nhiều thành tựu to lớn. Với tất cả lòng kính yêu và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta - người đảng viên của thế hệ hôm nay và mai sau cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của từng đảng viên, công chức, viên chức và của mỗi người lao động.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 120.
2. Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr. 589.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, t. 4, tr. 480, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946.
4. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 5 năm 1969.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 49.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Hồng Thu