Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay và được bổ chức Phó Quản Cơ của đồn điền. Trong thời gian khẩn hoang Trương Định đã gặp và cưới bà Trần Thị Sanh là anh em con cô - con cậu với bà Từ Dũ Thái Hậu (mẹ vua Tự Đức).
Tháng 04/1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, tháng 11/1861 chiếm thành Biên Hòa và đến tháng 03/1862, giặc Pháp tấn công chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký Hòa ước "Nhâm tuất" vào ngày 05/6/1862 cắt 3 tỉnh miền Đông là: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Tiếp đó, Triều đình ra lệnh cho Trương Định bãi binh, phong làm Lãnh binh An Hà, buộc phải bãi binh ở Tân Hoà và gấp rút nhận chức mới ở An Giang. Nhưng lòng dân và nghĩa quân không chịu, trong lúc đang lưỡng lự giữa ý dân và lệnh Vua chưa biết ngã về đâu thì ông nhận được thư của nghĩa hào huyện Tân Long (Chợ Lớn), tỏ ý muốn cử ông làm chủ soái 03 tỉnh để giết giặc. Cảm kích sự tín nhiệm của những người yêu nước và nhân dân, ông đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu "Bình Tây Đại Nguyên soái" do nhân dân phong, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.
Giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, truy kích ông và nghĩa quân. Ông rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Gò Công và chọn Lý Nhơn, một vị trí nằm giữa vùng đất phù sa có rừng dừa nước che kín giáp ranh Biên Hoà (nay là TP.Hồ Chí Minh) làm phòng tuyến mới. Cuối tháng 08/1864, giặc mở cuộc bao vây đánh úp căn cứ này. Thoát được cuộc bố ráp truy kích của giặc ở Lý Nhơn, Trương Định trở về đám lá tối trời, một mặt ông xây dựng lại lực lượng và kêu gọi các sĩ phu yêu nước đứng lên góp công góp sức, hiến kế đánh giặc. Hưởng ứng lời hiệu triệu của ông khắp nơi một làn sóng kháng chiến lại nổi lên ở Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Cần Giuộc, Chợ lớn và vùng giáp ranh Biên Hoà làm cho giặc Pháp hoang mang và càng ra sức truy tìm để diệt ông.
Đêm 19/8/1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây đột nhập vào nhà. Trương Định và những nghĩa quân của ông chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng lại bị thương nặng, biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng, năm ấy ông tròn 44 tuổi.
Sau khi Trương Định mất vào ngày 20/8/1864, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của Trương Định và nhân dân mang ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm này thuộc Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ và đền thờ ông được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay.
Ngoài mộ và đền thờ tại Thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ ông. Cảm phục trước tinh thần bất khuất của Trương Định, nhân dân khu vực Gò Công lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ Trương Định. Lễ giỗ này được duy trì thường xuyên tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, là nơi Trương Định tuẫn tiết và thị xã Gò Công là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Trương Định.
Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987. Còn đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.
Hiện tại, di tích và tiến độ của dự án mở rộng khu vực II giai đoạn 2 của Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, tọa lạc tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông đang được UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng các hạng mục như: Hệ thống cây xanh, cảnh quan khu "Đám lá tối trời", mô hình căn cứ nghĩa quân, sân tưởng niệm và một số công trình biểu tượng. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, dự kiến dự án đến ngày 08/8/2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tác giả bài viết: Kim Lan