Trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm 600 ha chiếm 55,2%, tổng diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm là 265 ha chiếm 24,36%, đất nuôi trồng thủy sản 10,50 ha chiếm 0,96%. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn xã chủ yếu là chăn nuôi heo và bò, đến thời điểm tháng 11/2022 đàn heo là 1.574 con, đàn bò là 3.527 con, đàn dê là 763 con, đàn gia cầm là 7.147 con. Trong những năm qua, Hội nông dân và ngành nông nghiệp xã đã kết hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và các công ty tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật được 47 cuộc có 2.115 lượt nông dân dự. Tổ chức 03 lớp dạy nghề có 92 nông dân tham gia, qua dạy nghề có trên 90% học viên sau học nghề có việc làm và đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của huyện và xã đã xây dựng 05 mô hình. Cụ thể: Mô hình cánh đồng lớn; Sản xuất lúa hữu cơ theo hướng đạt chuẩn xuất khẩu Châu Âu; Trồng mít Thái siêu sớm, Trồng dừa, trồng Bưởi, Trồng bơ, trồng mai nu (mai chiếu thủy) dưới chân ruộng; đặc biệt mô hình trồng lúa ST25... đã được nông dân đồng tình ủng hộ và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.
Cánh đồng sản xuất lúa ST25 ở ấp Thới An B
Ngoài việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân thì vốn để sản xuất, kinh doanh cũng rất quan trọng. Trong năm đã tiếp tục thực hiện nghị quyết liên tịch số 2308 giữa Hội nông dân với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội đã củng cố 5 tổ liên doanh vay vốn và giải quyết 1.674 lượt hộ vay số tiền trên 245 tỷ đồng; Phối hợp với Ngân hàng chính sách - xã hội củng cố 4 tổ tiết kiệm vay vốn giải quyết cho 498 lượt hộ nông dân nghèo được vay với lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ là 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra bằng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện đầu tư dự án chăn nuôi bò sinh sản cho 10 hộ vay với số tiền 200 triệu đồng, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của xã đã giải ngân cho 77 hộ vay với số tiền 386 triệu đồng, góp phần hỗ trợ vốn sản xuất và tạo việc làm, ổn định cuộc sống, sản xuất ở nông thôn.
Cây Thanh Long trồng dưới chân ruộng ở ấp Phú Quới
Đầu năm 2019, qua phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, toàn xã có 1.113/1.761 hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 63,20% tổng số hộ nông nghiệp trong toàn xã. Qua 4 năm thực hiện, các chi hội đã tổ chức bình xét danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở có 2.532/4.452 lượt hộ, đạt 56,8%. Trong đó: Cấp xã có 1.991 hộ nông dân. Cấp huyện có 425 hộ nông dân. Cấp tỉnh có 128 nông dân.
Mô hình nuôi Cá Sấu của anh Võ Văn Thì ở ấp Thới An A
Đạt được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ của Hội Nông dân, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành, đoàn thể của huyện. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Long Vĩnh phối hợp đồng bộ với các ngành, đoàn thể xã, ấp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển nhờ có chủ trương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn lúa, từ đó nâng cao thu nhập của người dân, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, khuyến khích nông dân làm giàu chính đáng và thúc đẩy phong trào, chuyên đề thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây ngày một phát triển, góp phần cùng địa phương thực hiện và đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.
Tác giả bài viết: Thanh Xuân