Hội LHPN xã Long Bình triển khai kế hoạch phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2022 - 2025

Thứ tư - 06/07/2022 21:14
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 29/3/2022 của Ban thường vụ Đảng ủy xã về việc tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan trên địa bàn xã Long Bình giai đoạn 2022 – 2025; kế hoạch số 83-KH/UBND ngày 21/6/2022 của UBND xã Long Bình về thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Long Bình giai đoạn 2022 – 2025.
Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Hà – PCT Hội LHPN xã triển khai kế hoạch và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn
Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Hà – PCT Hội LHPN xã triển khai kế hoạch và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn

Chiều ngày 6/7/2022 Ban chấp hành Hội LHPN xã Long Bình tổ chức họp triển khai kế hoạch thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2022 - 2025 cho cán bộ chi, tổ Hội và hội viên nòng cốt của Hội LHPN xã. Tham dự buổi triển khai có đồng chí Nguyễn Thị Tuyết An - Ủy viên Thường vụ Hội LHPN huyện; đồng chí Đặng Hoàng Thọ - Phó Bí thư Đảng ủy xã cùng các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã tham dự.

Tại buổi triển khai các chị được nghe đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hà – PCT Hội LHPN xã Long Bình thông qua kế hoạch thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; đặc biệt cán bộ chi, tổ Hội và hội viên nòng cốt là người đi đầu thực hiện nhằm thay đổi thói quen và ý thức của cộng đồng trong việc phân loại, thải bỏ chất thải rắn đúng quy định nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững, giảm nguy cơ về ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp rác không được phân loại, kéo dài thời gian sử dụng của bãi chôn lấp. Tại đây, các chị được hướng dẫn phương pháp phân loại chất thải rắn như: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (rác vô cơ tái chế) là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc chế biến lại như: Giấy, kim loại, các loại nhựa, nilon, cao su,…chất thải thực phẩm (rác hữu cơ): là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên, sinh ra mùi hôi thối như: Vỏ trái cây, lá cây, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, rác nhà bếp, xác động vật, phân chăn nuôi,…chất thải rắn sinh hoạt khác (rác vô cơ không tái chế): là những loại rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế như: hộp xốp, sành, sứ, gốm, thủy tinh bể các loại, quần áo, giày dép, xương động vật…. Cách xây dựng hố rác, vị trí đặt hố: trong vườn, môi trường đất, không quá khô hay ẩm ướt, cách xa nơi ở đảm bảo vệ sinh môi trường, sâu từ 0,7-1,5m, đường kính 0,6-1m có nắp đậy để ngăn ngừa mùi hôi từ hố phát ra. Ngoài ra các chị còn được giới thiệu các phương pháp xử lý rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; phương pháp xử lý rác vô cơ không tái chế; phương pháp xử lý rác hữu cơ; giải pháp xử lý rác vô cơ không tái chế sau khi phân loại.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đặng Hoàng Thọ - PBT Đảng ủy xã yêu cầu mỗi cán bộ chi, tổ Hội, hội viên nòng cốt phải thực sự là lực lượng đi đầu làm gương trong thực hiện việc phân loại và xử lý rác tại nguồn; đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình xử lý rác hữu cơ mà các chị đã thực hiện trong thời gian qua.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đi đầu của cán bộ chi, tổ Hội và hội viên nòng cốt, tin tưởng rằng việc thực hiện phân loại rác và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ tạo được sự lan tỏa và mang lại hiệu quả cao./.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thị Diễm Trinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây