Tham dự hội nghị có ông Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy- Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Hoàng Việt- Phó Chánh Thanh tra huyện, ông Nguyễn Văn Thơm- Huyện ủy viên- Chủ tịch Hội Nông dân huyện và 60 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, các cán bộ làm công tác Hội đồng nhân dân của 12 xã và Thị trấn Vĩnh Bình. Nội dung hội thảo được tập trung vào các điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018; các Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; kết quả các mô hình hay từ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng tiêu cực; kết quả triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực như công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hội thảo còn nghe các tham luận xoay quanh việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nhận diện những hành vi có khả năng dễ phát sinh tham nhũng; kết quả tiếp nhận, thực hiện trách nhiệm giải trình của đơn vị, cá nhân về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; quyền và nghĩa vụ của công dân, vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong phòng chống tham nhũng tại cơ sở...
Tại hội thảo, Hội Nông dân huyện và cơ sở, Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã trình bày các tham luận về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, việc thực hiện các giải pháp phát hiện tham nhũng, tiêu cực; công tác triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua hội thảo nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính để dần hướng đến mục tiêu "không muốn, không thể, không dám, không cần” tham nhũng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, hội viên các hội, đoàn thể và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Nê- Ủy viên Ban Thường vụ- Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng hàng đầu là muốn thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo kế hoạch đề ra thì thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định rõ mục tiêu phải thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, nhằm ngăn chặn những cơ hội, những biểu hiện mới bắt đầu manh nha, có chiều hướng sẽ mắc phải sai phạm trong việc thực hiện chưa đúng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn thể phải luôn sáng suốt, biết tự giữ mình, phải có tinh thần cảnh giác cao độ với chính bản thân mình; phải luôn tự kiểm tra, tự soi, tự sửa, tự giám sát, tự đối chiếu suy nghĩ, thái độ, hành động, việc làm của bản thân để kịp thời phát hiện, kịp thời sửa chữa từ sớm, từ xa, đừng để sự việc đi quá xa, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, vướng phải tội danh tham nhũng mà đơn vị hay cá nhân nào cũng không mong muốn.
Bên cạnh đó, hội thảo còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng với giáo dục tư tưởng, đạo đức, liêm chính, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động và nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mục đích buổi hội thảo nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng và đạo đức liêm chính cho toàn thể cán bộ, viên chức, hội viên các hội đoàn thể trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Tác giả bài viết: Kim Lan