Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đồng thời đã ban hành, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng quy định công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động trên các lĩnh vực tài chính, ngân sách, đất đai,…. trên Cổng thông tin điện tử của huyện, xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị đúng theo quy định.
Năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 24/02/2023 ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện. Thực hiện nghiêm các văn bản về chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, triển khai áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; ứng dụng hệ thống phần mềm Một cửa điện tử để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); niêm yết công khai bộ TTHC tại Bộ phận một cửa và trên Trang thông tin điện tử của huyện, xã. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm những vấn đề gây bức xúc, những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”.
Thực trạng công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn huyện thời gian qua. Nhìn chung, việc thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 10-CT/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đã nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức; của các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi cũng còn chưa thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chưa thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra nội bộ nên vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, vì vụ lợi mà có một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở của chính sách, pháp luật để sách nhiễu, kéo dài thời gian giải quyết công việc, đã gây ra nhiều bức xúc và làm giảm sút niềm tin của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của chính quyền, cản trở sự phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do: Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ; một số cơ sở chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật, việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân chưa chu đáo; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa được thường xuyên, chặt chẽ; công tác kiểm tra công vụ chưa được chú trọng; chưa chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn chưa cao. Công tác cải cách hành mặc dù đã có nhiều đổi mới tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhưng một số trình tự TTHC còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch; việc xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chưa đồng bộ, chưa tạo được sự kết nối, liên thông giữa các ngành, các cơ quan như: Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu quản lý dân cư, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến,…
Công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, người dân chưa tốt, còn tình trạng dễ dàng tiếp tay cho những hành vi sai trái của cán bộ, công chức, viên chức để được giải quyết công việc của mình một cách không chính đáng.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong thời gian tới, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn và với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân, cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cần thiết sau:
Tập trung chỉ đạo tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, trọng tâm là Luật Phòng, chống tham nhũng, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương;…
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân, trọng tâm là quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nâng cao ý thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc vì vụ lợi, để cho mọi người thấy hậu quả to lớn của nó, đó là: làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước bị giảm sút, là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ. Tuyên truyền đến người dân ý thức về tuân thủ pháp luật, kiên quyết không “lót tay”, không “phong bì”, không “tiếp sức” cho hành vi tham nhũng, không để tham nhũng “lây lan”.
Các cấp ủy, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị mình, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài, nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu gây dư luận xấu tại đơn vị thì cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước. Thường xuyên rà soát và đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có dư luận về tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ ở những lĩnh vực nhạy cảm; đưa kết quả công tác phòng, chống tham nhũng vào một trong những tiêu chí đánh giá công tác cán bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, nhất là các lĩnh vực, địa bàn, vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để sai sót nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo nguyên tắc “có vụ việc, có dư luận thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng”.
Chú trọng thực hiện có hiệu quả giải pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, theo hướng giảm thiểu và minh bạch hóa, đơn giản hóa TTHC, áp dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phối hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố giác, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng, không tiếp tay, bao che, dung túng hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả bài viết: Liên Thảo