Huyện Gò Công Tây- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển xe tham gia giao thông vào dịp cuối năm Xuân về Tết đến

Như chúng ta đã biết, tai nạn giao thông, từ lâu đã là hiểm họa đối với đời sống của mọi người dân. Hằng năm, số vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng và làm tàn phế hàng chục nghìn người trên cả nước, phá hủy và làm thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, những vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia luôn là vấn đề lo lắng chung của toàn xã hội.

Huyện Gò Công Tây- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển xe tham gia giao thông vào dịp cuối năm Xuân về Tết đến

Theo các chuyên gia về y tế, rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt không đảm bảo an toàn, không chấp hành các quy định về an toàn giao thông, hay ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ… hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác. Đây chính cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng. Là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, để lại nỗi đau đơn cho người ở lại, và người gây ra tai nạn cũng phải đối mặt với các hình thức xử phạt nghiêm minh của pháp luật. Vừa mới đây, trên mạng xã hội cũng xuất hiện clip hình ảnh nội dung một cô gái uống rượu say sau một buổi tiệc sinh nhật bạn tự lái xe ô tô và gây ra tai nạn thương tâm cho người đi đường. Nếu như không sử dụng rượu bia quá nồng độ, kiểm soát được hành vi thì có lẽ đã không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra. Theo thống kê chung, số vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao, điều đó xuất phát từ chính thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa chúc tụng nhau uống rượu, bia, nhất là vào mỗi dịp Lễ, Tết, đám tiệc của người dân. Chính vì thế, hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề chung, đã đến lúc toàn xã hội cần rung lên hồi chuông cảnh tỉnh. Hơn lúc nào hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, trút bớt gánh nặng cho xã hội và nỗi đau cho những người ở lại.

Quy định hình thức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy. Cụ thể như sau:

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 100/NĐ-CP của Chính Phủ quy định:

+ Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1lít khí thở bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

+ Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1lít khí thở phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

+ Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1lít khí thở hoặc trong cơ thể có chất ma túy phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

- Đối với xe ô tô :Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

+ Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1lít khí thở phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

+ Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1lít khí thở phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

+ Nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 mg/100 ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1lít khí thở hoặc trong cơ thể có chất ma túy phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tạm giữ phương tiện tối đa 07 ngày. Chính mức xử phạt cao như vậy nên nhiều trường hợp người vi phạm đã tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng, thậm chí là cản trở, chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Trong thời gian tới đây, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Gò Công Tây sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án các hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, qua đó giúp người dân nắm được các quy định pháp luật, tự giác chấp hành nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho bản thân và cho những người tham gia giao thông khác đảm bảo một mùa xuân mới bình yên và hạnh phúc đến với mỗi người, mỗi nhà.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây