Tham dự Lễ Giỗ có ông Trần Thanh Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang; ông Trần Văn Bon - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh; lãnh đạo huyện Gò Công Tây có ông Đinh Tấn Hoàng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Phạm Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; ông Huỳnh Thanh Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí nguyên lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Tây; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện. Lãnh đạo huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có các đại biểu: ông Trần Văn Năm - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cần Giuộc; lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã: Long Vĩnh, Vĩnh Hựu (Huyện Gò Công Tây); thị trấn Cần Giuộc, xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); cùng thân nhân gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy.
Trong chương trình ngày giỗ các đại biểu được nghe ông Đặng Công Tiên - Bí thư Đảng ủy xã Long Vĩnh thông qua tiểu sử tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của mẹ, dành 01 phút mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ đến Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy. Đồng chí Nguyễn Thị Bảy sinh năm 1908, tại làng Vĩnh Hựu, Tổng Hòa Đồng hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), là Bí thư Quận ủy đầu tiên của quận Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ngày 23/11/1940 dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thị Bảy lực lượng đảng viên ở các cơ sở tiến hành tập hợp quần chúng nhân dân mở ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây được xem là phong trào cách mạng nổi trội của quê hương Cần Giuộc lúc bấy giờ. Tài tháo vát và khí chất anh hùng của đồng chí Nguyễn Thị Bảy không chỉ lan truyền trong nhân dân Cần Giuộc - Chợ Lớn mà cả khi sa vào tay giặc, chúng phải khâm phục tôn gọi đồng chí Nguyễn Thị Bảy là “Bà Hoàng Hậu Đỏ”. Ngày 26/5/1941 (nhằm ngày 22 tháng 5 âm lịch) tại sân banh Cần Giuộc thực dân Pháp đã lập pháp trường xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng. Trước lúc hy sinh đồng chí còn kêu gọi nhân dân “Hãy tiếp tục đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp thì dân cày mới có ruộng, khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau nhất định sẽ thành công”. Sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Bảy cùng với các chiến sĩ đã để lại niềm khâm phục, nổi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân huyện Cần Giuộc, huyện Gò Công Tây và nhân dân cả nước nói chung. Năm 2010, Chủ tịch nước đã truy tặng bà danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2015 truy tặng cho bà danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Lễ Giỗ nhằm tôn vinh và tri ân những công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đây đã thể hiện truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn quý giá của dân tộc Việt Nam, thắt chặt tình cảm đoàn kết của người dân hai huyện Gò Công Tây và huyện Cần Giuộc, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ trân trọng, nhớ ơn công lao của các Anh hùng liệt sĩ, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp sức mình cống hiến vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tác giả bài viết: Kim Lan - Quốc Nam